“Sai phạm đất đai như của Út ”trọc“, Vũ “nhôm” có sự dung túng của cán bộ”


Chuyên gia chỉ ra rằng, đặc điểm nổi bật trong sai phạm về lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai là hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tính tổ chức, theo nhóm có sự dung túng bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan. 

Sáng 6/12, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo “Kiểm toán việc quản lý sử sụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra”.

Thông tin tại hội thảo, TS.Vũ Đình Ánh cho biết, giai đoạn 2014-2018 cho thấy sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức, cá nhân sử dụng đất với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm,…

Theo TS.Vũ Đình Ánh, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai được hiểu là vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai với giả định các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng là hợp lý, phù hợp với yêu cầu quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả.
Theo đó, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai do nguyên nhân chủ quan, cố tình vi phạm pháp luật của tổ chức và cá nhân có liên quan, do đó cần phải nhận diện, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát tài sản cho Nhà nước và xã hội.
Chỉ ra một số sai phạm trong lĩnh vực đất đai, ông Ánh cho biết, tình trạng lấn chiếm đất công diễn ra nghiêm trọng cả ở đô thị, nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đất đai bị huỷ hoại, thậm chí không thể phục hồi diễn ra chủ yếu ở các địa điểm khai thác khoáng sản, khai thác cát trên sông… và gây ô nhiễm môi trường đất do hoạt động công nghiệp, dịch vụ.
Tình trạng sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích: để đất hoang hoá, chậm triển khai dự án, giao đất không qua đấu giá, chuyển nhượng dự án sai phép, chậm xử lý tranh chấp khiếu nại về đất đai,… khiến cho nhiều mảnh đất bỏ hoang hàng chục năm, thậm chí cả những mảnh đất có vị trí đẹp, giá trị lớn ở trung tâm đô thị hay những vùng đất nông nghiệp trù phú có sản lượng và năng suất cao.
Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích nghiêm trọng nhất là biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh trái pháp luật, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất,… Đây là sai phạm gây tổn thất nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế – xã hội nước ta hiện nay.
Đáng lưu ý, vị chuyên gia nhắc đến tình trạng nợ tiền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án bất động sản lớn có quy mô ngày càng tăng, kéo dài. Khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị quyền sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, trước và sau khi thực hiện CPH DNNN, trước và sau khi bán tài sản Nhà nước có gắn với đất đai, trước và sau khi giao đất thực hiện dự án theo hình thức BT,… gây thất thoát rất lớn cho NSNN, biến tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân hay một nhóm cá nhân, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước với giá trị thực tế trên thị trường, việc định giá đất chưa phù hợp cũng làm méo mó sự vận động của thị trường bất động sản, tạo điều kiện nảy sinh hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính đất đai, từ thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đến tính giá trị DNNN khi thực hiện cổ phần hoá hay giá trị đất sử dụng để đổi đất lấy hạ tầng (BT).
Ông cũng nhắc đến tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
Theo ông Ánh, do đất đai là đối tượng quản lý của nhiều người, nhiều cơ quan tổ chức trong khi lại có giá trị lớn, vừa là tư liệu sản xuất, vừa là tư liệu tiêu dùng còn quyền sử dụng đất là hàng hoá có giá trị đặc biệt trên thị trường bất động sản đang bùng nổ ở Việt Nam nên việc làm trái các quy định về quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng vẫn thường xuyên xảy ra mặc dù đã có không ít các vụ án hình sự liên quan đến đất đai bị khởi tố và thủ phạm bị nghiêm trị.
“Đặc điểm nổi bật trong sai phạm về lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai là hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tính tổ chức, theo nhóm có sự dung túng bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền”, ông cho biết.
Về giải pháp ngăn chặn, ông Ánh cho rằng, mặc dù ở trên đã giả định hệ thống pháp luật về đất đai hiện hành là đầy đủ, hợp lý và chặt chẽ song thực tế một bộ phận sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai cho thấy cần phải bịt những lỗ hổng pháp lý đã và đang tạo điều kiện phát sinh vi phạm, thậm chí tránh né sự trừng phạt của pháp luật.
Cụ thể, những quy định pháp luật cần tập trung sửa đổi hoàn thiện liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất, phân phối lợi ích khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyền quy hoạch và thay đổi quy hoạch sử dụng đất, dự án BT, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có gắn với quyền sử dụng đất, cho thuê đất…
Cùng với đó, hệ thống thông tin về đất đai cần được xây dựng thống nhất, đầy đủ, chi tiết, cập nhật, truy cập dễ dàng, công khai minh bạch nhằm đảm bảo thông tin về đất đai trở thành một trong những công cụ quản lý quan trọng nhất, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người sử dụng đất, người có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính đất đai và tạo điều kiện cho giám sát của toàn xã hội về quản lý và sử dụng đất đai.
Một mặt cần củng cố lực lượng thanh tra chuyên ngành đất đai cả về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, phương tiện hoạt động,… đặc biệt là nâng cao thẩm quyền, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.
Mặt khác, cần tạo điều kiện để hoạt động giám sát về quản lý và sử dụng đất đai đi vào thực chất, trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin về sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.

LÂM AN