Phụ phẩm hóa vàng: Biến mỡ cá thành dầu ăn

Doanh nhân Sài Gòn

Công nghệ chế biến mỡ cá thành dầu ăn từ lâu đã được thực hiện, tuy nhiên, do không khử được mùi tanh trong dầu nên sản phẩm đã không được thị trường chấp nhận. Vậy mà, ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai An Giang đã biến mỡ cá thành dầu ăn được thị trường chấp nhận và xuất khẩu. 

Trong những năm kinh doanh xuất khẩu thủy sản, ông Lê Thanh Thuấn nhìn thấy mỡ cá tra thô vẫn đang dùng để sản xuất dầu bio-diesel hoặc xuất khẩu với giá rẻ bèo, trong khi mỡ cá chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quý hiếm, nếu được tinh luyện thành dầu ăn, giá trị sẽ được nâng lên gấp nhiều lần. Ông Thuấn đã quyết định nghiên cứu biến nguyên liệu này thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Ông Lê Thanh Thuấn

Ông nói: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm cung cấp ra thị trường sản lượng mỡ cá tra không dưới 140.000 tấn. Trong đó, 50% được dùng để làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, sản xuất dầu bio-diesel và xuất khẩu thô với giá thấp. Trong khi đó, Việt Nam đang phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu dầu thực vật và nhu cầu này ngày càng gia tăng. Thực ra trước đó, công nghệ chế biến mỡ cá thành dầu ăn đã được thực hiện, tuy nhiên, do không khử được mùi tanh của cá trong dầu nên sản phẩm đã không được thị trường chấp nhận. Trên thế giới, người ta chủ yếu sản xuất viên dầu cá dạng thuốc để bổ sung vi chất dinh dưỡng, chứ chưa có sản phẩm dầu cá được sử dụng như thực phẩm hằng ngày”.

>> Ông Lê Thanh Thuấn: Ba quy tắc và chất xúc tác sáng tạo

Để thực hiện giấc mơ của mình, ông Thuấn phải nghiên cứu rất nhiều năm, đi tìm hiểu công nghệ ở các nước tiên tiến. Ông đã sang châu Âu đặt công nghệ cho nhiều nơi làm thử, nhưng chỉ có duy nhất một đối tác làm thành công, sau đó đem mẫu ra một viện nghiên cứu dinh dưỡng tại châu Âu phân tích, trích ly rồi đem về Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhờ kiểm định.

Sau khi nghiên cứu thành công, ông Thuấn quyết định ký hợp đồng trị giá 25 triệu USD với Tập đoàn Desmet Balesstra (Bỉ) để nhập khẩu công nghệ và thiết bị cho nhà máy tinh luyện dầu cá với công suất 200 tấn/ngày, sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế FSSC khép kín.

“Đến thời điểm này, tôi đã có thể thở phào vì sản phẩm ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận ngoài dự kiến. Nhà máy hiện không đủ công suất cung ứng nên chúng tôi khẩn trương lắp đặt dây chuyền thứ hai”, ông Thuấn chia sẻ trong niềm vui của người vừa biến giấc mơ thành hiện thực.

Dây chuyền chế biến mỡ cá

Điều đáng ghi nhận là việc tận dụng nguồn nguyên liệu phụ mỡ cá để tinh chế thành dầu Ranee là lời giải cho bài toán nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, xuất khẩu của con cá tra Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỡ cá hay còn gọi là dầu cá thô không chứa cholesterol và có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quý giá. Đặc biệt, trong mỡ cá có chứa EPA, DHA – thành phần vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người.

Theo ông Lê Văn Chính – Tổng giám đốc Công ty Trisedco, sản lượng cá tra Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Với tỷ lệ 2,6kg nguyên liệu cho ra 1kg phi lê thành phẩm, mỗi năm các nhà máy chế biến có hơn 700 ngàn tấn phụ phẩm các loại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến chỉ tận thu các phần phụ phẩm như bong bóng, bao tử cá để làm thực phẩm.

Phần còn lại chủ yếu bán dạng nguyên liệu thức ăn gia súc thô cho các doanh nghiệp nước ngoài với giá rẻ bèo, rất lãng phí. Với các lợi thế: sản phẩm khác biệt, nguồn nguyên liệu 100% trong nước, không lệ thuộc nhập khẩu, giá thành cạnh tranh, dư địa thị trường còn rất lớn cùng với việc phát triển thêm các sản phẩm mới như: dầu dinh dưỡng cho trẻ em, dầu trộn, dầu đặc (shortening)…, dự kiến mức tăng trưởng của Công ty sẽ tăng 20% mỗi năm. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm từ 30 – 50%.

Năm 2016, dầu ăn Ranee đã hiện diện ở khắp các điểm tạp hóa, chợ, các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và được người tiêu dùng ủng hộ. Tính đến tháng 11/2016, doanh thu của Công ty đã đạt hơn 300 tỷ đồng. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, sản phẩm dầu ăn cao cấp Ranee còn chiếm được cảm tình của các thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia…

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đưa ra phân tích nhận định rằng: tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Trisedco (thuộc Tập đoàn Sao Mai An Giang) bình quân ở mức khá. Từ 2016 trở đi, khi các nhà máy mới đưa vào hoạt động thì doanh thu, lợi nhuận của Công ty hứa hẹn tăng đáng kể, mục tiêu tăng doanh thu, lợi nhuận trên 20% của Công ty hoàn toàn khả thi. Kết quả lạc quan này của Trisedco có khởi nguồn từ ý tưởng sáng tạo của ông Lê Thanh Thuấn.

Ý Nhi