Rủi ro xuất phát từ “hoa hồng”

() Việc một số cá nhân nhận tiền lãi ngoài từ ngân hàng Oceanbank đã và sắp bị truy tố, điều tra, xét xử chắc chắn khiến nhiều người băn khoăn, liệu khoản tiền nào được nhận, tiền nào không được nhận? Khoản tiền nào hợp pháp/bất hợp pháp? Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Hữu Hoành (Đoàn Luật sư TP. HCM) xung quanh vấn đề này. 

Ở góc độ pháp lý, ông nhìn nhận thế nào về hành vi tương tự hành vi nhận các khoản tiền hoa hồng ở vụ án Giang Kim Đạt, tiền lãi ngoài của Oceanbank ở các doanh nghiệp dầu khí?

Đối các khoản tiền trong vụ án Giang Kim Đạt, Oceanbank mà truyền thông gọi là tiền cắt hoa hồng, tiền lãi ngoài hợp đồng, thực chất đây là các khoản lợi bất chính, mà cụ thể là tiền hối lộ.

ảnh 1

 Luật sư Hồ Hữu Hoành.

Tại vụ Giang Kim Đạt, gọi là khoản tiền hoa hồng là không đúng, bởi ở đây không có ai thực hiện hoạt động môi giới, tất cả đều là bên mua hoặc bên bán. Với việc nâng khống giá và chấp nhận ký hợp đồng với giá khống để hưởng lợi, thì khoản hưởng lợi đó chính là tiền hối lộ, bởi các bên tham gia, từng cá nhân đều là người có quyền hạn, chức vụ liên quan đến các giao dịch đó.

Đối với việc Oceanbank chi trả lãi ngoài cho các công ty dầu khí, cũng như các cá nhân lãnh đạo, điều hành các công ty đó, trước hết, cần hiểu rằng, khoản lãi đó được trả mà không hạch toán, không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ pháp luật, như vậy việc trả lãi ngoài là hành vi phạm pháp.

Tiếp đến, đây không phải là tiền hoa hồng, mà chính là tiền hối lộ, bởi để quyết định việc gửi tiền vào Oceanbank phải có tác động bởi những người có chức vụ, quyền hạn liên quan và để “đền đáp”, Oceanbank đã thực hiện chi trả khoản lãi ngoài cho các đơn vị, cá nhân này. Đương nhiên, khoản lãi ngoài này cũng không được các đơn vị tiếp nhận hạch toán, cũng như các cá nhân nhận nó kê khai thuế thu nhập cá nhân theo quy định. 

Thực tiễn, việc cám ơn, chia hoa hồng, cắt phần trăm là rất phổ biến, một nhân sự bình thường cũng có thể được nhận các khoản tiền như vậy không bàn đến giá trị lớn hay nhỏ. Theo ông, khoản tiền nào là hợp pháp?

Trong xã hội, một người thực hiện một công việc như giới thiệu cho người khác mua (hoặc bán) tài sản với một người thứ ba, hoặc giới thiệu, xúc tiến cho các bên mua – bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thực hiện được giao dịch thường nhận được khoản tiền gọi là hoa hồng từ bất kỳ một bên nào đó trong giao dịch.

Theo pháp luật, đây là một hoạt động thương mại, cụ thể là hoạt động môi giới được quy định tại Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp quy có liên quan khác.

Điều 150 Luật Thương mại năm 2005 quy định, môi giới thương mại là một hoạt động trung gian thương mại, theo đó, bên môi giới là bên làm trung gian cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (các bên được môi giới) trong việc giới thiệu, đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và được hưởng thù lao theo thỏa thuận môi giới đó.

Như vậy, có thể hiểu rằng, tiền hoa hồng – hay tiền môi giới là khoản thù lao mà một bên được môi giới sẽ trả cho người thực hiện hoạt động môi giới, bên trả tiền hoa hồng có thể là bên bán hoặc bên mua tùy theo người môi giới thỏa thuận môi giới cho ai. Do đó, người môi giới luôn luôn và không bao giờ là người bán hay người mua trong quan hệ mua – bán được môi giới đó.

Cần phân biệt tiền hoa hồng (tiền môi giới) với tiền hối lộ, khoản thu lợi bất chính theo các phân tích nêu trên. Tiền hoa hồng hợp pháp khi người nhận hoa hồng không phải, không thuộc bên mua hoặc bên bán, và tiền hoa hồng nhận được phải trích nộp thuế theo quy định pháp luật. 

Vậy khoản tiền nào là bất hợp pháp? Nguy cơ pháp lý ở đây ra sao?

Hiện nay, theo quy định điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội nhận hối lộ là hành vi một người có chức vụ, quyền hạn mà trực tiếp hoặc thông qua trung gian để nhận bất kỳ lợi ích vật chất, phi vật chất cho chính mình hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ (lợi ích vật chất, phi vật chất).

Như vậy, tiền hối lộ là một khoản lợi ích vật chất mà bên đưa hối lộ mong muốn người tiếp nhận nó là người có quyền, chức vụ thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nào đó vì lợi ích hoặc yêu cầu của mình. Tiền hối lộ là khoản lợi ích phi pháp.

Thông thường, người ta hiểu rằng, hành vi nhận hối lộ là ở khu vực công, liên quan tới những người có chức vụ của Nhà nước. Nhưng việc nhận những khoản tiền “cám ơn” vẫn xảy ra cả ở khu vực tư? Luật pháp một số nước trên thế giới quy định ra sao về các khoản tiền này?

Trên thế giới, việc quy định hành vi hối lộ không chỉ đặt ra đối với khu vực công, mà còn đối với khu vực tư nhân, thậm chí không đòi hỏi tiêu chí người nhận hối lộ phải có chức vụ, quyền hạn. Bởi trong cơ quan công vụ, hoặc một công ty tư nhân, nếu một nhân viên bình thường nhưng có thể nắm được các thông tin có lợi hoặc bất lợi cho đối tượng thì anh ta có thể muốn họ trả tiền hối lộ để được tiếp nhận thông tin đó. Vì vậy, một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… không phân biệt khu vực công hay tư, có chức quyền hay không khi định tội về hành vi hối lộ.

Tại Việt Nam, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã làm rõ tiêu chí chủ thể của tội nhận hối lộ, theo đó phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, cũng như trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nghĩa là, khi xác định tội nhận hối lộ, pháp luật Việt Nam đã không còn phân biệt khu vực công hay tư. Tuy nhiên, tiêu chí chủ thể của hành vi nhận hối lộ vẫn phải là người có chức vụ, quyền hạn và như vậy hạn chế việc mở rộng chủ thể đối với hành vi này.

Tại một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài, người lao động đều buộc phải ký cam kết không làm, không cung cấp thông tin, không thực hiện bất kỳ yêu cầu cho bất kỳ chủ thể nào để làm lợi cho chủ thể đó và để hưởng lợi từ chủ thể đó, nếu vi phạm thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động, cũng như phải bồi thường cho doanh nghiệp. Khoản thu lợi đó được coi là khoản lợi bất chính.

Vụ án Hà Văn Thắm đã tạm khép lại ở các hành vi sai phạm tại Ngân hàng Oceanbank. Tuy nhiên, vẫn còn một phần nội dung về các đơn vị, cá nhân nhận tiền lãi ngoài đang được cơ quan điều tra tiếp tục xem xét làm rõ. Thực tế, đã có một số vụ án được đưa ra xét xử mà bị cáo là các lãnh đạo, nhân sự quản lý các doanh nghiệp nhận tiền lãi ngoài để sử dụng cá nhân.
Ông Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã bị Tòa án Hà Nội tuyên phạt 18 tháng tù giam vì tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản vì nhận 97 triệu đồng tiền chi lãi ngoài từ Ngân hàng TMCP Đại Dương Oceanbank nhưng không hạch toán vào sổ sách mà chi tiêu cá nhân.
Viện Dầu khí đã ký các hợp đồng, gửi 308 tỷ đồng tại Oceanbank – Chi nhánh Thăng Long. Nguồn tiền gửi được lấy từ kinh phí do ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ do các cơ quan nhà nước giao, đặt hàng trực tiếp hoặc đấu thầu và nguồn kinh phí thường xuyên hoặc đột xuất do PVN cấp.
Ngoài khoản lãi gần 2,5 tỷ đồng theo hợp đồng, Oceanbank còn chi tiền “chăm sóc khách hàng” – bản chất là chi lãi ngoài vượt trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định. Số tiền Viện Dầu khí nhận được là 97 triệu đồng, được trả vào tài khoản Trần Đức Chính. Trần Đức Chính đã sử dụng cá nhân khoản tiền này.
Bùi Trang – Đỗ Mến thực hiện