Luật sư vụ PVC: Các luật sư của Trịnh Xuân Thanh đề nghị tuyên thân chủ vô tội

( ) Đối đáp với đại diện VKSND về việc xác định thiệt hại, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, trong lịch sử tố tụng Việt Nam, xác định thiệt hại tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước chưa có việc tính lãi. Doanh nghiệp thì phải có rủi ro, rủi ro là thuộc tính của kinh doanh.

Sáng 16/1, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại PVC tiếp tục với phần tranh luận của luật sư.

Trước đó, đại diện Viện KSND đã có phần đối đáp ý kiến bào chữa của các luật sư và bị cáo. Cơ quan tố tụng cơ bản giữ nguyên nội dung cáo buộc hành vi và tội danh, nhưng có quan điểm thay đổi và đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với một số bị cáo gồm bị cáo Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Lương Văn Hòa, Phạm Tiến Đạt. Theo Viện KSND, quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo có thái độ tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật. 

Về tội danh và hình phạt của bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC), đại diện VKSND bảo lưu quan điểm luận tội và xác định thiệt hại vụ án là 119 tỷ đồng. Sáng nay (16/1), nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh có phần tranh luận với phần đối đáp của VKSND.

Theo luật sư Lê Văn Thiệp, trong lịch sử tố tụng Việt Nam, việc xác định thiệt hại trong tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng chưa từng có việc xác định có lãi suất. Doanh nghiệp thì phải có rủi ro, rủi ro là thuộc tính của kinh doanh.

Mặt khác, quan điểm Viện KSND cho rằng, trong vụ án phạm tội là có tổ chức, luật sư Thiệp cho rằng, điều này rất phi lý. Bởi lẽ đây là cơ cấu tổ chức bộ máy, có pháp nhân và đặc điểm pháp nhân là có tổ chức.

“Rõ ràng ở đây có sự phân công, trách nhiệm chứ họ không tự tập hợp”, luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Tiếp tục tranh luận về phần thiệt hại, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, sau khi tiền tạm ứng chuyển về tài khoản, các ngân hàng tự động cấn trừ hơn 700 tỷ đồng.

“Tiền vào tài khoản, PVC chưa kịp sử dụng. Nếu cáo buộc thân chủ của tôi và các bị cáo khác sử dụng số tiền này là chưa phù hợp. Đại diện VKSND cũng nhắc Điều 72 Luật Doanh nghiệp 2005 nêu, các lãnh đạo doanh nghiệp phải có quyền và nghĩa vụ cẩn trọng đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích tối đa của doanh nghiệp. Nguồn tiền dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, các bị cáo khai nhận sử dụng là nguồn tiền nhàn rỗi. Số tiền PVN ủy thác cho vay chỉ có 5%/năm. Việc chênh lệch 13% lãi suất là vì lợi ích tối đa của doanh nghiệp”, luật sư Phúc bổ sung.

Theo luật sư, đại diện VKSND dẫn số liệu năm 2011, PVN có phát sinh tiền gửi có kỳ hạn và khoản ủy thác quản lý vốn tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư tài chính Việt Nam với lãi suất lên tới 18%/năm (cao hơn mức lãi suất tham chiếu tính thiệt hại tại kết luận giám định khoảng 14%/năm) là xem xét có lợi cho bị cáo, luật sư đề nghị VKSND đối đáp lại là tiền tạm ứng dự án có thể đem ủy thác đầu tư không?

Cho rằng, trong hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra chưa thu thập các biên bản họp của PVC thể hiện việc chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh về việc ký hợp đồng 33, sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích, luật sư Nguyễn Văn Quynh đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh vô tội về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Bổ sung phần bào chữa cho bị cáo Thanh, luật Nguyễn Quốc Hùng cũng dẫn các chứng cứ đề nghị HĐXX xem xét bị cáo Thanh không phạm tội Tham ô tài sản.

Đỗ Mến – Bùi Trang

Đỗ Mến – Bùi Trang