Người tiêu dùng kết nối ở Việt Nam sẽ chi tiêu 800 tỉ USD trong 10 năm tới

Theo một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, đến năm 2025, người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên toàn thế giới.

Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng kinh doanh dựa trên công nghệ, châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực có mức độ tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng kết nối cao nhất toàn cầu, đặc biệt là các thị trường đang phát triển như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người, tuy nhiên, con số này được dự đoán sẽ tăng gần như gấp đôi, đạt 40 triệu người trong năm 2025. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chi tiêu hằng năm của người tiêu dùng kết nối tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỉ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỉ USD trong năm 2025. Và đến năm 2025, ước tính họ sẽ chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hằng năm.

“Các doanh nghiệp thường có xu hướng tìm kiếm cơ hội tăng trưởng dựa trên mức thu nhập, đặc biệt họ sẽ ưu tiên khai thác cơ hội từ tầng lớp trung lưu. Nhưng trong môi trường kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động và tầng lớp trung lưu gặp nhiều sự bất ổn như hiện nay, chỉ xét trên mức thu nhập thôi thì không đủ. Chuyển đổi trọng tâm, tập trung khai thác vào người tiêu dùng kết nối – một tầng lớp người tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ – mới có thể giải quyết được những thiếu sót của cách tiếp cận thông qua thu nhập”, nhận định của ông Rakesh Dayal, Giám đốc Cấp cao, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam.

Cũng theo Rakesh, “người tiêu dùng kết nối là một phân khúc người tiêu dùng mới, đang phát triển rất nhanh. Họ là những người có hiểu biết về công nghệ, kĩ thuật số và đồng thời cũng là những người có mức sẵn sàng chi tiêu rất cao, thậm chí sẵn sàng chi trả cao hơn mức thu nhập của họ. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, người tiêu dùng kết nối ở Việt Nam sẽ chi tiêu khoảng 800 tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Do đó, đối với các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ người tiêu dùng Việt Nam thì đây chính là phân khúc mà các doanh nghiệp cần phải tập trung khai thác”.

Trẻ tuổi, thu nhập cao và sẵn sàng chi tiêu

Khoảng 1/3 (34%) người tiêu dùng kết nối là những người trẻ, có độ tuổi từ 21 – 34.

Theo định nghĩa của nhóm nghiên cứu, người tiêu dùng kết nối đến từ tất cả các nhóm thu nhập. Tuy nhiên, họ là những người có mức thu nhập vừa đủ để có thể chi tiêu tùy ý theo cách riêng của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, khả năng cao là đa phần họ đến từ các nhóm thu nhập cao. 

Tại Việt Nam, hơn 3/4 người tiêu dùng kết nối đến từ tầng lớp có mức thu nhập cao (76%) và khoảng 2/3 đến từ tầng lớp trung lưu (62%) và 43% đến từ nhóm có thu nhập thấp hơn.

Với thuộc tính trẻ, đa phần sống tại các khu vực thành thị và là những người luôn có xu hướng mua sắm để nâng cấp cuộc sống của mình, không ngạc nhiên để thấy rằng, người tiêu dùng kết nối Việt Nam là những người tiêu dùng có mức độ lạc quan rất cao.

 Các báo cáo Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng của Nielsen chỉ ra rằng, trong năm 2015, chỉ số lạc quan của người tiêu dùng kết nối là 117, so với con số 99 là chỉ số lạc quan đến từ những người sử dụng internet thông thường.

“Để hiểu rõ hơn về người tiêu dùng kết nối, điều quan trọng là chúng ta cần phải xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, chứ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố mức thu nhập bình quân. Yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến việc xác định người tiêu dùng kết nối là thái độ của người tiêu dùng – sự sẵn sàng mua sắm và mức độ tự tin của họ trong việc chi trả tùy ý cho các khoản mục họ cần. Và sự thật là người tiêu dùng kết nối đến từ nhóm có thu nhập thấp thậm chí vẫn lạc quan và sẵn sàng chi tiêu cao tương đương với những người tiêu dùng kết nối đến từ các nhóm thu nhập cao hơn – nhưng các doanh nghiệp lại thường dễ bỏ qua nhóm thu nhập này. Mặc dù những người tiêu dùng này có thể không phải là khách hàng mục tiêu của tất cả các ngành hàng, phân khúc sản phẩm (ví dụ như các ngành hàng/phân khúc cao cấp), nhưng họ vẫn đại diện cho một lượng lớn người tiêu dùng luôn sẵn sàng mua sắm”, Rakesh nhận định thêm.

Người mua sắm đa kênh

So với những người sử dụng internet khác, người tiêu dùng kết nối là những người có xu hướng mua sắm đa kênh. Khoảng 80% người tiêu dùng kết nối nghĩ rằng mua sắm online là thuận tiện và họ vui thích khi mua sắm trực tuyến. Trước khi mua, họ sẽ thu thập và tìm kiếm thông tin về sản phẩm để tham khảo từ cả hai nguồn online và offline. Và 4 trong 5 người tiêu dùng kết nối sẽ tham khảo các nhận xét về sản phẩm trên các kênh trực tuyến (83%) và đặc biệt họ sẽ tìm kiếm nhận xét từ mạng xã hội (74%) trước khi quyết định có mua sản phẩm đó hay không. 

Trong khi đó 2 trong 3 (66%) người tiêu dùng kết nối sẽ trực tiếp xem sản phẩm tại cửa tiệm thực tế trước khi đặt hàng trên các kênh mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng kết nối rất quan tâm đến vấn đề giá, họ luôn tìm kiếm những đơn hàng giảm giá, các chương trình khuyến mãi: hơn một nửa trong số họ sử dụng các ứng dụng di động để tìm kiếm các đơn hàng giảm giá tốt nhất dù là khi họ dự định mua sắm hay thậm chí là đang mua sắm tại cửa tiệm.

Họ là những “người mua sắm đa kênh” thực sự – tham gia mua sắm ở cả các cửa hàng thực tế lẫn các trang mua sắm trực tuyến.

Họ là những người sử dụng công nghệ để xem các kênh truyền thông

So với những người sử dụng internet khác, người tiêu dùng kết nối có xu hướng xem các chương trình thu lại nhiều hơn là xem các chương trình được phát trực tiếp và họ có thể sẽ xem đi xem lại chương trình đó nhiều lần trong ngày. Họ cũng thích được tự do lựa chọn những gì mình muốn xem ở bất cứ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào (92%). Bên cạnh đó, họ sẽ sử dụng internet và các mạng xã hội để kết nối với những người cùng xem với họ ngay trong lúc họ đang xem chương trình (70%).

An Nhiên/TheLeader