MoMo, VNG và Tiki nói về thương mại nền tảng số tại Việt Nam

Ba nhà lãnh đạo các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại trên nền tảng số nói về hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam hiện nay.


Công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ thị trường trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều thách thức và rảo cản để chuyển đổi các ngành kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Tại diễn đàn Đối thoại Ấn Độ-Thái Bình Dương Việt Nam 2018 diễn ra hôm 7.11, ba nhà tiên phong trong lĩnh vực thương mại trên nền tảng số của Việt Nam, VNG, Tiki và MoMo đã có một cuộc trò chuyện cởi mở về lĩnh vực này.
Cuộc trò chuyện có sự tham gia của ông Vũ Minh Trí, phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ đám mây của VNG; ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập và tổng giám đốc Tiki; ông Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc điều hành MoMo; dưới sự điều phối của ông Nguyễn Bảo Hoàng, tổng giám đốc IDG Ventures Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO của MoMo; ông Vũ Minh Trí, phó TGĐ VNG; ông Trần Ngọc Thái Sơn, founder kiêm TGĐ Tiki; ông Nguyễn Bảo Hoàng, TGĐ IDG Ventures Việt Nam (từ trái sang phải). Ảnh: Huyên Phương.



Nguyễn Bảo Hoàng: Cuộc trò chuyện hôm nay có ba nhà tiên phong trong lĩnh vực thương mại trên nền tảng số của Việt Nam. Các anh định nghĩa thế nào về thương mại trên nền tảng số (digital trade)?
Trần Ngọc Thái Sơn: Đó là nền tảng số giúp tăng cường cải thiện các dịch vụ và hoạt động thương mại nhằm cải thiện cuộc sống.
Vũ Minh Trí: Trong kỷ nguyên này, chúng ta đang chuyển đổi sang nền tảng số, từ ngành bán lẻ cho tới truyền thông. Vài ngành bảo thủ trong việc áp dụng công nghệ số như giáo dục, ngân hàng giờ đã có lộ trình triển khai việc chuyển đổi. Doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh này đều có kế hoạch cho kỹ thuật số.
Nguyễn Mạnh Tường: Nhìn từ khía cạnh người tiêu dùng, chúng ta số hóa tất cả các bước trong hành trình mua bán của họ, từ việc tìm kiếm, thanh toán, các dịch vụ khách hàng…
Nguyễn Bảo Hoàng: Kỹ thuật số trong hơn một thập niên qua đã làm thay đổi lĩnh vực kinh doanh của các anh. Thách thức và cơ hội từ sự thay đổi đó là gì?
Trần Ngọc Thái Sơn: Kinh doanh ở Việt Nam có rất nhiều thử thách. Khi bắt đầu khởi nghiệp, cần phải có vốn. Ở Việt Nam khó tìm một công ty đầu tư như IDG, gần như là công ty đầu tiên. Ở Trung Quốc, thị trường vốn lớn là một yếu tố thuận lợi để phát triển. Bản thân tôi cũng mất tới hai năm để kiếm được 5.000 đô la Mỹ để tiếp tục công việc kinh doanh. Thiếu vốn chính là yếu tố khó khăn nhất. Khi bán sách trên Tiki, để phân biệt Tiki với doanh nghiệp khác, tôi đóng bao sách cho khách hàng. Người mua hàng đọc xong quyển sách có thể trả lại để chúng tôi chuyển tới người dùng khác.
Vũ Minh Trí: Nhìn lại 10 năm qua, công nghê thay đổi rất nhiều. Từ điện thoại iPhone cho tới mạng xã hội Facebook, những sản phẩm này đã thay đổi thị trường rất nhiều. Công nghệ đã giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi cách vận hành để tồn tại. Kỹ thuật số là một vấn đề cốt lõi để Việt Nam theo kịp quốc gia khác trên thế giới, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Nguyễn Mạnh Tường: Tôi làm việc cho MoMo khoảng 10 năm. MoMo là ví điện tử, viết tắt của từ thanh toán tiền qua di động. Quay lại 10 năm trước, chúng ta thường dùng điện thoại phổ biến là Nokia. Chúng tôi thử áp dụng ứng dụng trên điện thoại Nokia, sau đó sử dụng sim của VinaPhone để mọi người nạp tiền vào và thanh toán. Lúc đó, chúng tôi nghĩ nên làm gì đó đơn giản, cơ bản thôi. Khi chuyển tiền về nhà, chúng ta thường dùng ngân hàng hay các dịch vụ chuyển tiền. Mạng internet và điện thoại di động đã thúc đẩy sự phát triển của thanh toán qua di động. Việt Nam là quốc gia ứng dụng công nghệ nhanh, mọi người khá cởi mở với điều mới. Đây là một điều may mắn cho những công ty công nghệ.
Nguyễn Bảo Hoàng: Việt Nam là điểm đến đầu tư được ưa chuộng trong những năm gần đây. Vì sao các startup lại được cộng đồng dành sự quan tâm đến vậy?
Vũ Minh Trí: Các công ty nắm bắt được cơ hội phát triển và thay đổi trong lĩnh vực thương mại điện tử để trở thành những công ty hàng đầu. Phần lớn những công ty hàng đầu hiện nay đều là công ty công nghệ và đạt tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, như Amazon, Alibaba. Amazon đã tăng trưởng hơn 10 lần chỉ trong vòng hai, ba năm. Công nghệ và thương mại điện tử đã tạo ra sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy. Không có văn hóa đổi mới sáng tạo rất khó cho Việt Nam bắt kịp những quốc gia khác. Sự tăng trưởng thần kỳ không chỉ diễn ra ở Trung Quốc hay Mỹ mà cũng có thể ở Việt Nam. Công ty VNG là một ví dụ. Chúng tôi bắt nguồn từ công ty trò chơi điện tử, sau đó phát triển sang mảng truyền thông như ứng dụng giao tiếp Zalo, trang tin điện tử Zing. Sự thành công của VNG có thể giúp cộng đồng startup tự tin hơn. Tuy nhiên còn có nhiều thách thức trong cộng đồng này, như việc đào tạo, huấn luyện, nguồn cấp vốn…
Nguyễn Bảo Hoàng: 10 năm qua dành nỗ lực cho MoMo, anh có nghi ngờ gì về lựa chọn của mình và những việc đã làm?
Nguyễn Mạnh Tường: 10 năm qua là hành trình dài với tôi. Tôi hài lòng và vui mừng khi cùng tạo ra công ty mới, đối mặt và giải quyết những thách thức mới, nhưng chúng tôi đã vượt qua. Chúng tôi đã thất bại hai lần trước khi thành công trong lần thứ ba. Tại sao startup lại phổ biến, trước tiên là nhờ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Startup cần phải có vốn và con người. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam. Một vài doanh nghiệp chỉ mất vài tháng để tìm nguồn tài trợ cho dự án. Có những tổ chức liên kết lại để hỗ trợ cho startup.
Nguyễn Bảo Hoàng: Các anh xây dựng công ty dựa trên sức lực và mồ hôi, dựa trên công thức của những người dành chiến thắng trên thị trường. Các anh đều có đối thủ lớn. Tiki có Lazada, Shopee. VNG có Google, Facebook. Làm sao đối mặt vấn đề cạnh tranh?
Trần Ngọc Thái Sơn: Chúng ta đều không muốn có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng chúng ta không thể xây dựng được thị trường thương mại điện tử 10 tỉ đô la Mỹ như ngày nay từ con số không mà phải có nguồn tiền đầu tư để kích thích thị trường. Và chúng ta không thể tự làm mà phải có nguồn tiền đầu tư từ bên ngoài. Việt Nam cần phải làm sao để thị trường mở cửa cho những người chơi khác. Chúng tôi muốn có sân chơi bình đẳng và tin rằng chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Chúng ta đang ở trong thời đại của một cuộc cách mạng 4.0, có thể tiếp cận từ bên ngoài và gia nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cần phải bình đẳng để có một sân chơi cho cả người chơi quốc tế lẫn doanh nghiệp nội địa. Chúng ta có thể hợp tác với Facebook, Google, Amazon. Thiết lập quan hệ với những đổi tác có chính sách tốt, phục vụ lợi ích và nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta sẽ không hợp tác với những đối tác không có trách nhiệm với sự phát triển của Việt Nam.
Vũ Minh Trí: Bất kỳ một công ty công nghệ lớn trên thế giới đều thành công trong nước trước khi vươn ra thị trường thế giới. Có vài công ty công nghệ Việt Nam đang bước ra bên ngoài để đặt tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Chúng tôi cần sự hỗ trợ để thành công trước tiên trên thị trường Việt Nam. Ngành game của VNG thành công nhờ nắm bắt được công nghệ game trên di động. Zalo thành công nhờ tập trung xây dựng độ đáng tin cậy cho người dùng. Giờ chúng tôi đang phát triển dịch vụ đám mây. Và chúng tôi nghĩ cần có sự hỗ trợ của chính phủ cho startup phát triển. Làm sao để Chính phủ và các nhà làm chính sách nhìn thấy tiềm năng của startup để tăng cường các chính sách hỗ trợ startup thành công.
Nguyễn Bảo Hoàng: Chính phủ có thể làm gì để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho startup?
Vũ Minh Trí: Có nhiều quy định đặt ra gần đây, nhắm đến công ty trong nước hơn nước ngoài. Các công ty trong nước rất dễ kiểm soát. Công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhưng không theo luật lệ và quy định, làm cho những công ty nội địa cảm thấy mất lợi thế, rất khó khăn trong việc cấp phép. Chúng tôi mất hai năm, đầu tư 10 triệu đô la Mỹ cho dịch vụ điện toán đám mây và mới được cấp phép gần đây.
Nguyễn Bảo Hoàng: Các quy định, thủ tục trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ảnh hưởng như thế nào để quá trình đổi mới sáng tạo của MoMo?
Nguyễn Mạnh Tường: Tôi nghĩ hiện nay có quá nhiều thủ tục và quy định là một thách thức. Chúng ta có thể học hỏi mô hình của Trung Quốc. Nước này ngành fintech phát triển khá mạnh. Chúng ta cần phát triển làm sao để bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng các công cụ chống nạn rửa tiền. Ví dụ trong lĩnh vực ví điện tử, ngành này khá nhỏ, không cần làm KYC quá nhiều như các ngân hàng. Khi kinh doanh lĩnh vực này ở nông thôn, khó yêu cầu người dân ở nông thôn phải có tài khoản ngân hàng. Hay thương mại điện tử hóa hành trình mua sắm của người tiêu dùng mà phải thanh toán bằng tiền mặt thì không có ý nghĩa nữa.
Nguyễn Bảo Hoàng: Các nhà làm chính sách nên sửa đổi gì?
Nguyễn Mạnh Tường: Điều tốt là Ngân hàng Nhà nước có xu hướng cởi mở hơn trước. Trong vòng 11 năm, từ 2007-2015, chỉ có chín giấy phép được cấp. Nhưng trong những năm gần đây đã cấp 27 giấy phép. Chúng ta có thể học hỏi các mô hình thành công, cần xây dựng câu lạc bộ fintech. Chính phủ cần cởi mở hơn để giúp phát triển nhanh hơn.
Nguyễn Bảo Hoàng: Việc kinh doanh bán hàng trên mạng khiến các công ty biết thông tin khách hàng. Thông tin khách hàng phải được giới hạn ở đâu?
Trần Ngọc Thái Sơn: Chúng tôi có đội ngũ theo dõi trường hợp của Facebook chặt chẽ. Việt Nam là nước đang phát triển, chúng tôi rất quan tâm tới dữ liệu người dùng. Người tiêu dùng hiện chưa quá nghiêm túc tới việc bảo mật thông tin cá nhân. Họ quan tâm tới sự thoải mái, giá cả sản phẩm, mua hàng chất lượng mà chưa chú trọng tới dữ liệu thông tin của họ được dùng ra sao. Chúng ta phải nghĩ xa hơn. Các công ty ở Việt Nam cần làm chặt chẽ hơn chính sách dữ liệu hay trao đổi dữ liệu với công ty khác. Nên rút ra bài học cho riêng mình từ trường hợp của Facebook vừa rồi.
Nguyễn Bảo Hoàng: Tin tặc tấn công vào Việt Nam và chúng ta không biết nguồn gốc từ đâu. Chúng ta có biện pháp gì về vấn đề an ninh?
Nguyễn Mạnh Tường: Tại sao cơ chế thanh toán, giao dịch của chúng ta phát triển chậm so với quốc gia khác? Đó là vì lòng tin. Người dùng chưa tin vào thanh toán qua mạng mà họ tin vào đồng tiền trên tay hơn. Do đó, yếu tố bảo mật rất quan trọng, chúng tôi đầu tư nhiều tiền để đảm bảo an toàn, đó là vấn đề mấu chốt trong việc kinh doanh. Chúng tôi đau lòng khi thấy người dùng bị mất tiền.
Nguyễn Bảo Hoàng: Vì sao nhiều công ty công nghệ Việt Nam chưa sẵn sàng IPO?
Vũ Minh Trí: Chúng tôi chờ đúng thời điểm. Việc tiến hành IPO không hề dễ. Chúng tôi đang đợi thời điểm chín mùi. Trong chuyến thăm New York, chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ MoU với sàn chứng khoán Mỹ NASDAQ. Tin tốt là VNG đủ điểu kiện niêm yết. Điều cần xem xét là định giá của VNG như thế nào. Giá trị của VNG có thể bị loãng trong thị trường vốn Mỹ lớn như vậy.

Tweet

Bản
in

Email

Từ Khóa:

vng;

momo;

tiki;

idg ventures vietnam;

thương mại điện tử;

kỹ thuật số;

nền tảng số;

Cùng chuyên mục

Xem Tất Cả

Vì sao Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia phần mềm dịch vụ hàng đầu?

Hironori Maeda

08-12-2018

Đi tìm cơ hội cho ngành gỗ trong bối cảnh thương mại Mỹ – Trung

Bích Dâng

08-12-2018

Đối thoại Indo-Pacific Việt Nam 2018: Mỹ sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn

Trường Bùi

07-12-2018

TIN NỔI BẬT

CBRE: Phân khúc cao cấp sẽ là hướng đi mới cho thị trường bất động sản trong năm 2019

Hội nghị bất động sản 2018 Forbes Việt Nam: Động lực tăng trưởng mới

Đầu tư vào y tế: Góc nhìn từ Bayer Việt Nam

TIN MỚI

Cùng VietinBank an tâm tích lũy hưởng sức khỏe vàng

Thông tin doanh nghiệp

9 giờ trước

7-Eleven bước vào cuộc đua cửa hàng không nhân viên

Panos Mourdoukoutas

07-12-2018

Huawei lên tiếng sau vụ Canada bắt giữ nữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu

Robert Olsen

06-12-2018

Tác giả TRƯỜNG BÙI