Mì ăn liền Miliket: Chìm nổi một thương hiệu vua


Từng là vua của mì ăn liền của những năm 90 của thế kỷ trước khi Miliket chiếm khoảng 90% thị phần, nhưng với sự bùng nổ của nhiều thương hiệu mới đã đẩy “mì hai tôm” lênh đênh trên “cơn sóng” thị trường.

Vang bóng một thời

Hiện nay, dù nhiều người tiêu dùng tìm đến mì Hảo Hảo, Gấu Đỏ, Ba Miền nhưng trong tiềm thức họ vẫn có thói quen gọi là ăn “mì tôm”. Ở Việt Nam, thế hệ những người sinh ra trong khoảng thời gian 1980 – 1990, nhiều người biết đến mì tôm Miliket. Khi ấy đời sống khó khăn, chỉ những người tầng lớp “thượng lưu” mới thường xuyên được ăn mì tôm; còn dân thường cải thiện lắm trong bữa ăn mới có gói mì. Nhiều trường hợp đau ốm mới được “tẩm bổ” bằng mì tôm.

Sau hơn 30 năm tồn tại, trong bối cảnh hàng chục thương hiệu mì mới ra đời, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, “mì tôm” Miliket vẫn trung thành với mẫu mã “hai con tôm”. Hiện giờ thương hiệu này làm ăn sa sút, doanh thu giảm qua từng năm. Có ý kiến cho rằng, trước đây Miliket nuôi dưỡng người nghèo, giờ đây Miliket “nghèo” nên được những người nghèo xưa nuôi lại. Thương hiệu Miliket như một định mệnh, bám chặt với sự nghèo khổ.

Miliket là thương hiệu mì ăn liền của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Mì này tiền thân gọi là mì tôm Colusa có mặt trên thị trường từ trước năm 1975. Sau năm 1975, Colusa được đổi tên thành Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Đến năm 1983, Tổng Công ty Lương thực miền Nam mở thêm Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, Colusa và Miliket sáp nhập thành Công ty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket; đến năm 2006 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi thành Công ty cổ phần.

Từng chiếm 90% thị phần nhưng nay Miliket chỉ còn chiếm trên dưới 3%, thua xa với các thương hiệu mì ăn liền đình đám trên thị trường như Hảo Hảo (100% vốn Nhật Bản), Omachi, Kokomi (Masan) hay Ba Miền, Gấu Đỏ (Asea Foods).

Trong khi những thương hiệu mì đang chiếm lĩnh trên thị trường hiện nay có mẫu mã bắt mắt và luôn thay đổi; liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm và có các chiến lược truyền thông tiếp cận người tiêu dùng thì mì tôm Miliket hơn 30 năm nay gần như không có sự thay đổi cả về hình thức lẫn chất lượng. Hình ảnh hai con tôm tụm đầu vào nhau trên bao mì làm bằng giấy vẫn được doanh nghiệp này lựa chọn trong suốt nhiều thập kỷ qua. 

“Trôi nổi” trong nồi lẩu vỉa hè

Nhiều người cho rằng DN này bảo thủ nên dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp như thời gian qua. Năm 2012, lợi nhuận công ty chỉ đạt 31,2 tỷ đồng trên tổng doanh thu 540 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế 31,14 tỷ đồng. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 19 tỷ đồng. Cùng với việc kinh doanh sa sút, lãnh đạo DN này chỉ nhận được mức lương khiêm tốn. Trong ba năm từ 2013 đến 2015, chủ tịch, phó chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị và Trưởng ban kiểm soát cùng nhận lương 5 triệu/tháng. Thành viên ban kiểm soát nhận lương 3 triệu đồng/tháng.

Theo khảo sát của PLVN, thị trường phân phối mì Miliket đang ngày càng co cụm, chủ yếu ở các vùng nông thôn. Còn tại thành thị, nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hóa hiện nay rất hiếm thấy bán mà thay vào đó Miliket thường xuyên xuất hiện ở các quán lẩu. Theo khảo sát của phóng viên, tại các quán lẩu, dù người dùng gọi lẩu gà, lẩu hải sản hay lẩu Thái thì chủ quán luôn mang kèm theo hai gói mì Miliket. 

Một chủ quán lẩu trên đường Mỹ Đình (quận NamTừ Liêm, Hà Nội) cho biết, mì Miliket hợp với ăn lẩu vì sợi dai, ít mặn, giá rẻ, chỉ dưới 3.000 đồng/gói. Giá mì này được tính chung với giá nồi lẩu, do đó, nếu khách lẩu không dùng mì thì vẫn không được trừ tiền. “Thông thường, khách ăn rau thịt xong rồi cuối bữa mới ăn mì. Nhiều người ăn rau thịt no rồi nên không ăn mì nữa. Nồi lẩu thừa lại thường là chút rau xanh và đôi gói mì”, vị chủ quán cho biết.

Như vậy, mì Miliket một thời hoàng kim nay chỉ còn vang bóng. Ở cả những quán lẩu vỉa hè, mì Miliket cũng chưa hẳn đã được khách hàng mặn mà, người bán cho không, người ăn bỏ lại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Miliket đang sống được là nhờ những quán lẩu vỉa hè và kí ức những thế hệ 7X – 8X. Nhiều người dùng mì này không phải bởi hương vị thơm ngon mà bởi họ nghĩ đến quá khứ nghèo khó đã gắn liền với thương hiệu Miliket.

Khách hàng có tên Bảo Trí chia sẻ: “Nhớ cái thời mới có 6-7 tuổi, nhà nghèo đến nỗi mỗi bữa cơm mà có một tô mì tôm chế nước nhiều hơn chút để làm canh là nhất. Bố mẹ chỉ chan chút nước còn lại để dành cả tô mì tôm cho mình, không có gì sướng bằng.Thương hiệu mỳ tôm Miliket dù có mất đi thì vẫn tồn tại trong lòng người dân Việt như một biểu tượng, dù là biểu tượng nghèo khó”.

Minh Hữu