Lộ chân tướng doanh nhân “ẩn nấp” sau An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex


Sáng 11/1, nhiều người bất ngờ khi Ceo Ecopark Đào Ngọc Thanh được giới thiệu tại Đại hội bất thường của Vinaconex.

Chiều 22/11/2018 giới đầu tư chứng khoán xôn xao khi 254,9 triệu cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) được Công ty TNHH An Quý Hưng (AQH) mua đứt khi đem ra bán đấu giá. 
Điều gây xôn xao là AQH đã mua với giá rất bất thường (28.900 đồng/CP), cao hơn 36% so với giá khởi điểm và 56% so với giá thị trường (giá khởi điểm là 21.300 đồng/cp, giá đang giao dịch trên sàn chứng khoán là 18.500 đồng/cp). Tổng giá trị AQH mua hơn 7.360 tỷ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường khoảng 2600 tỷ.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH An Quý Hưng có trụ sở chính nằm tại Km 28, QL 6A, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và xây lắp. Cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Xuân Đông – Tổng Giám đốc nắm 78,4% vốn; và vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh nắm 21,6% vốn.
Được biết, quy mô công ty AQH rất nhỏ so với thương vụ mua cổ phiếu VCG. Doanh thu thuần năm 2017 đạt 956 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 62,3 tỷ đồng. Ở một số chỉ số khác của doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn đạt 549,2 tỷ đồng; tài sản dài hạn 450,4 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 456,2 tỷ đồng. Tổng lại, số này cũng chỉ đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy, việc AQH chi số tiền khổng lồ trên 7.360 tỷ đồng để mua cổ phiếu VCG đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về danh tính thật sự của người đứng đằng sau AQH “thâu tóm” VCG. 
Sáng nay (11/1) “ẩn số” này đã được giải tỏa khi Vinaconex tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 nhằm tiến hành miễn nhiệm và bầu cử thành viên HĐQT và BKS.
ĐHCĐ bất thường Vinaconex được tổ chức sau khi doanh nghiệp này có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Theo đó, Vinaconex có 3 cổ đông lớn chiếm 87% vốn của Vinaconex. Cụ thể, An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn. 
Tại cuộc họp nhiều người không khỏi bất ngờ khi ban tổ chức giới thiệu sự xuất hiện của ông Đào Ngọc Thanh đại diện cổ đông An Quý Hưng.
Được biết, ông Đào Ngọc Thanh hiện là CEO CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Ecopark). Ông Thanh cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Contana (CSC), Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API)… 
Phát biểu tại đại hội, ông Thanh cho biết, ông đến đại hội với tư cách đại diện nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng. “Chúng tôi là những người chuyên về xây dựng, muốn tập hợp anh em lại để làm một điều gì đó cho Vinaconex”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cũng khẳng định, việc Vinaconex muốn trở thành top 3 doanh nghiệp trong ngành xây dựng ở Việt Nam là điều hoàn toàn có thể: “Điều chúng ta phải suy nghĩ là làm thế nào để thương hiệu của Vinaconex được treo lên tất cả các tòa nhà. Chúng ta có thể làm được như Conteccon…”.
Vì sao Ceo Ecopark nhòm ngó Vinaconex?
Theo báo cáo tài chính quý III/2018 do Vinaconex công bố, doanh thu và lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đều sụt giảm. Tính trong 9 tháng đầu năm nay, Vinaconex ghi nhận 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017.
Tình hình kinh doanh không mấy khả quan vậy vì sao Vinaconex lại hấp dẫn những nhà đầu tư như vậy?
Theo bản công bố thông tin mới nhất, tính đến nay Vinaconex đang quản lý 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Phần lớn những khu đất có diện tích lớn tại Hà Nội đang được Vinaconex triển khai dự án và cho thuê mặt bằng, hạ tầng khu công nghiệp.
Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,77 triệu m2 nằm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là khi đất do Vinaconex thuê lại từ Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, thời gian thuê 48 – 49 năm. Hiện nay dự án đã giải tỏa mặt bằng sạch khoản 190,8 ha, diện tích đã chi trả tiền còn vướng mắc 42,5 ha và 37,5 ha còn chưa chi trả. 
Vinaconex còn có khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.
Ngoài các lô đất thuộc công ty mẹ Vinaconex, 25 công ty con và 8 đơn vị liên doanh, liên kết của tổng công ty cũng có quỹ đất riêng.
Đáng chú ý nhất là khu đất xấp xỉ 33.000 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội – nơi đang được triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn góp của Công ty cổ phần An Khánh JVC – chủ đầu tư dự án này.
Cùng với các dự án trên, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97- 99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng. Trong đó tại 93 Láng Hạ, Vinaconex sở hữu hơn 98% phần vốn, còn dự án 97-99 Láng Hạ doanh nghiệp nắm giữ với tỷ lệ 45%.
Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).
Giới phân tích cho rằng quỹ đất này chính là lý do khiến nhà đầu tư bỏ ra mức giá cao hơn 56% so với thị trường để sở hữu cổ phần mà SCIC thoái vốn tại đây.

VẠN XUÂN