“Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức vừa phải”


Tại báo cáo chuyên đề vĩ mô với nội dung “Chu kì kinh tế Việt Nam: Chúng ta đang ở đâu?” Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, dựa trên các học thuyết kinh tế, tập trung vào chu kỳ nợ/tín dụng, nhóm nghiên cứu của VDSC tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức vừa phải trong khi sức ép lên lãi suất ngày càng lớn và lạm phát bắt đầu có xu hướng gia tăng mạnh. Nhu cầu tiêu dùng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh và thúc đẩy nền kinh tế mặc dù hàng tồn kho có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý, hoạt động đầu cơ ngày càng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Sau khi chạm đáy vào năm 2012, nền kinh tế bắt đầu hồi phục trong giai đoạn 2012-2013 khi hàng tồn kho giảm mạnh nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong 2014-2015, hoạt động đầu tư và nhu cầu tiêu dùng nhìn chung gia tăng.

Loại bỏ những tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế xuất hiện năm 2016 do yếu tố môi trường và thời tiết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng tốc cho đến năm 2018. “Theo quan điểm của chúng tôi, nền kinh tế sẽ tăng trưởng ổn định ở mức vừa phải trong các năm tới”, nhóm nghiên cứu VDSC cho biết trong báo cáo.

Về triển vọng, hoạt động đầu tư tư nhân và nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn sẽ là trụ đỡ chính cho nền kinh tế. Ngược lại, các rủi ro từ bên ngoài bao gồm căng thẳng thương mại, rủi ro địa chính trị,…

“Tăng trưởng GDP có thể giảm 0,5-1,2 điểm phần trăm trong trường hợp căng thẳng thương mại gia tăng. Chênh lệch tăng trưởng GDP giữa 2017 và 2012 là 1,8%”, VDSC dự báo.

Cũng tại báo cáo này, nhóm chuyên gia VDSC cho biết, trong chu kỳ kinh tế thứ 3 (2012 đến hiện tại) kể từ khi cuộc cải cách “Đổi Mới” diễn ra, đã chứng kiến những thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế.

Cụ thể, tiêu dùng trong nước chiếm gần 70% GDP. Chiến lược khai thác thị trường tiêu dùng nội địa nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trong khi đó, đầu tư khu vực tư nhân đang gia tăng mạnh mẽ. Nếu như các dự án FDI quy mô lớn nắm vai trò chủ đạo từ năm 2014 thì hiện nay các tập đoàn tư nhân lớn trong nước cũng đang mạnh tay đầu tư vào khu vực sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu. Những dự án này sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong 2 năm tới.

Từ phương diện tổng cung, hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nhờ chiếc cầu nối được dựng xây bởi các doanh nghiệp FDI, nổi bật là các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Formosa, dự án sản xuất thép tỷ đô, bắt đầu đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa ghi nhận những thay đổi đáng kể và dòng vốn tín dụng vẫn đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Điều này hàm ý tăng trưởng tín dụng nhanh hay chậm sẽ xác định quỹ đạo chuyển động của nền kinh tế. Các doanh nghiệp nội địa vẫn phụ thuộc vào dòng vốn từ khu vực ngân hàng khi thị trường tài chính nhìn chung còn kém phát triển.

BẢO VY