IPO PVOIL: Xác định giá trị thương hiệu 169 tỷ đồng


PVOIL đứng thứ 2 thị phần dầu sau Petrolimex trong nước, khi thực hiện cổ phần hóa giá trị thương hiệu của công ty được xác định là 169 tỷ đồng.

Ngày 25/01/2018, Tổng công ty Dầu Việt Nam – công ty TNHH MTV (PVOIL) sẽ thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), số lượng cổ phần đấu giá trên 206,8 triệu cổ phần so với vốn điều lệ của công ty trên 10.342 tỷ đồng.
Giá đấu khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần. Dự kiến Nhà nước sẽ thu về 2.771 tỷ đồng.
Doanh nghiệp duy nhất bán dầu thô ra nước ngoài của Việt Nam
PVOIL là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), được thành lập năm 2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Thương mại dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC).
PVOIL hoạt động chính về dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu dầu thô và sản xuất kinh doanh các sản phẩm dầu. Hiện công ty cung cấp toàn bộ dầu thô nguyên liệu cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm.
Trong 09 năm hoạt động, toàn hệ thống PVOIL có 39 đơn vị thành viên và có vốn góp tại 12 công ty liên kết. Hoạt động kinh doanh đã vươn ra nhiều thị trường như Trung Đông, Nam Mỹ, Tây Phi, Đông Nam Á… PVOIL đang có công ty con là PVOIL Singapore với định hướng PVOIL Singapore trở thành nhà giao dịch (Trader) dầu tầm cỡ khu vực và thế giới.
Thị phần thứ 2 sau Petrolimex
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 29 đầu mối nhập khẩu xăng dầu được cấp phép, khoảng 120 thương nhân phân phối làm cho thị trường kinh doanh xăng dầu ngày càng bị chia sẻ và cạnh tranh mạnh mẽ.
Tuy nhiên, 90% thị phần vẫn thuộc về 5 đầu mối lớn, các công ty còn lại chiếm thị phần khá thấp và chủ yếu tập trung cung ứng xăng dầu cho các ngành đặc thù hoặc cụm thị trường riêng lẻ. PVOIL đứng ở vị trí thứ 2, chiếm khoảng 20-22% thị phần.
Sản phẩm chủ lực là xăng A92
Các sản phẩm kinh doanh của PVOIL cung cấp ra thị trường, gồm: Xăng các loại: RON 92, RON 95 và E5; Dầu Diesel (DO), Dầu hỏa (KO), nhiên liệu đốt lò (FO).
Sản xuất, pha chế xăng dầu là thế mạnh và là nguồn lợi chính của PVOIL. Hoạt động này do PVOIL Phú Mỹ tại Bà Rịa – Vũng Tàu đảm trách, công suất chế biến 130.000 tấn condensate/năm. PVOIL đang sản xuất xăng A92 với sản lượng xăng thành phẩm từ 400-600 nghìn m3/năm, chiếm khoảng 15-20% tổng lượng xăng tiêu thụ qua hệ thống PVOIL.
Về năng lượng sinh học (xăng E5), PVOIL đã xây dựng 3 nhà máy sản xuất xăng E5 tại Bình Phước, Quảng Ngãi và Phú Thọ, công suất mỗi nhà máy 100.000 tấn E100/năm. Trong đó, 02 nhà máy đã hoàn thành và 01 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng.
PVOIL hiện có 10 trạm pha chế xăng E5 với tổng công suất pha chế đạt khoảng gần 900.000m3 E5/năm và cung ứng ra thị trường khoảng 160.000 m3 E5 thương phẩm/năm.
Đối với sản xuất dầu mỡ nhờn do công ty con là PVOIL LUBE đảm trách, nhà máy tại TP.HCM với công suất 20.000 tấn/năm, có hơn 140 loại dầu mỡ bôi trơn: dầu động cơ, dầu công nghiệp, các loại dầu công nghiệp chuyên dụng như: dầu thủy lực, dầu truyền động, dầu bánh răng chịu cực áp… chủ yếu cung cấp cho các khách hàng công nghiệp và các nhà thầu dầu khí.
Hiện nay, nguồn hàng cung ứng cho kinh doanh sản phẩm dầu của PVOIL từ ba nguồn chính: mua từ nhà máy lọc dầu Dung Quất (chiếm khoảng 55%); nhập khẩu theo hạn mức quota từ các nước khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc (chiếm 25-30% )… và tự sản xuất pha chế (chiếm 15- 20%).
Dự kiến từ đầu năm 2018, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động nguồn xăng dầu cung ứng trong nước sẽ tăng gấp 2,5 lần so với hiện tại, đồng thời với việc nhà máy lọc dầu Bình Sơn có kế hoạch mở rộng gấp rưỡi công suất hiện hành vào năm 2021, sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối về nguồn hàng cung ứng cho PVOIL.
Bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, PVOIL có một số hoạt động phụ trợ như: vận tải xăng dầu, cho thuê kho … PVOIL hiện có trên 100 xe bồn, tổng dung tích 2,000 m3 và 07 xà lan tổng dung tích 4,000 m3 đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vận chuyển nội bộ hệ thống và của khách hàng đại lý.
540 cửa hàng xăng dầu tại 58 tỉnh, thành phố
Trong nước, PVOIL bán buôn trực tiếp cho các nhà thầu dầu khí, các nhà máy điện… với sản lượng tiêu thụ chiếm khoảng 18%. Bán buôn cho các thương nhân phân phối, đại lý, tổng đại lý chiếm khoảng 60%. Bán lẻ trực tiếp tại hệ thống gần 540 cửa hàng xăng dầu của PVOIL tại 58 tỉnh/thành trên cả nước, chiếm khoảng 22%.
Hệ thống kho, cảng hiện hữu của PVOIL bao gồm 10 tổng kho chính và 18 kho trung chuyển xăng dầu và 01 kho sản xuất trên địa cả nước. Tổng sức chứa các kho toàn hệ thống hiện nay gần 962.000 m3.

 Nguồn: PVOIL
Tại thị trường nước ngoài, PVOIL sở hữu mạng lưới phân phối sản phẩm dầu rộng lớn và chuyên nghiệp tại Lào, có hệ thống 120 cửa hàng xăng dầu, chiếm 20% thị phần bán lẻ và khoảng 15% thị phần tổng tất cả các kênh phân phối (bán buôn, bán lẻ…). Sản phẩm phân phối là xăng Mogas 92, Mogas 95, dầu DO, FO và dầu mỡ nhờn.
Cổ phần hóa, tổng tài sản của PVOIL là 19.308 tỷ đồng
Tổng công ty – Công ty mẹ hiện đang quản lý, sử dụng tổng số 40 lô đất (gồm: 21 lô đất thuê trả tiền 1 lần/ nhận chuyển nhượng/ giao đất và 19 lô đất thuê trả tiền hàng năm).
Phương án sử dụng của toàn bộ 21 lô đất thuê trả tiền 1 lần/ nhận chuyển nhượng/ giao đất đã được UBND cấp tỉnh chấp thuận và đã được tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa PVOIL.
Đối với 19 lô đất thuê trả tiền hàng năm, PVOIL vẫn đang tiếp tục làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để có được ý kiến về phương án sử dụng đất.
PVOIL cũng đang được giao 49.345m2 đất tại Lào để làm kho, cửa hàng xăng dầu, văn phòng…
Theo phương án cổ phần hóa, việc định giá cổ phần PVOil theo phương pháp định giá tài sản.
Theo đó, tổng giá trị tài sản xác định lại là 19.308 tỷ đồng, tăng thêm 1.114 tỷ đồng so với số liệu sổ sách kế toán. Tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại PVOIL là 10.342 tỷ đồng, tăng 1.085 tỷ đồng so với giá trị sổ sách.
Trong đó, tài sản cố định là 1.392 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn là 4.550 tỷ đồng (đầu tư vào công ty con là 3.445 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên kết là 1.060 tỷ đồng…).
Hàng tồn kho 1.519 tỷ đồng. Giá trị thương hiệu 169 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2015, tổng cộng nguồn vốn của PVOil trên 18.194 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 10.884 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 1.778 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu còn 9.256 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là 8.938 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 8.686 tỷ đồng, vay và nợ ngắn hạn là 2.330 tỷ đồng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 325 tỷ đồng… Nợ phải thu ngắn hạn là 5.127 tỷ đồng, dự phòng phải thu khó đòi 74 tỷ đồng.
Do đó, hệ số Nợ/Vốn chủ sở hữu của PVOIL luôn ở mức cao, năm 2014 là 154%, năm 2015 là 106% và năm 2016 là 105%. Tuy nhiên, hệ số thanh toán nhanh luôn ở mức trên 1 lần trong 03 năm qua.
Trong 03 năm qua, hoạt động kinh doanh của PVOIL có sự trồi sụt. Đặc biệt, theo số liệu báo cáo tài chính hợpnhất, doanh thu thuần của công ty giảm dần từ mức 66.306 tỷ đồng năm 2014 giảm còn 50.910 tỷ đồng và giảm tiếp xuống 39.263 tỷ đồng năm 2016.
Tổng chi phí cũng giảm tương ứng, tuy nhiên, năm 2014 chi phí ở mức 67.506 tỷ đồng khiến công ty bị lỗ trước thuế 1.200 tỷ đồng.
Năm 2015, chênh lệch doanh thu – chi phí còn 789 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận trức thuế mà PVOIL đạt được.
Đến năm 2016, chi phí cũng không giảm nhiều và đạt 38.637 tỷ đồng khiến công ty chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 626 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2015.
Năm 2016, chỉ số ROE là 5,56% và ROA là 2,71%, đều giảm so với năm 2015.

Hoàng Anh