Giám đốc Bùi Văn Ngọ Furniture: Gia đình là nền móng của doanh nghiệp

Doanh nhân Sài Gòn

Với không ít người dân Sài Gòn hay nông dân các tỉnh Nam bộ, Bùi Văn Ngọ là thương hiệu cơ khí quen thuộc với máy xay lúa, máy đánh bóng gạo, máy ép dầu, ép mía.

Sau hàng chục năm phát triển, thương hiệu Bùi Văn Ngọ “lấn sân” thêm lĩnh vực nội thất. Trách nhiệm này được giao cho người con thứ bảy trong gia đình là ông Bùi Trọng Tín – Giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm gỗ Bùi Văn Ngọ (Bùi Văn Ngọ Furniture). 

Ông Tín kể về truyền thống kinh doanh lĩnh vực cơ khí nông nghiệp của gia đình: “Thương hiệu Bùi Văn Ngọ có từ năm 1955, do cha tôi khai lập. Ban đầu chỉ là một xưởng sản xuất nhỏ ở quận 5, Chợ Lớn, nhân lực khoảng 15 người, chủ yếu sản xuất máy xay lúa, ép dầu, ép mía. Dù là người khai sinh thương hiệu nhưng đến đời ba tôi đã là thế hệ thứ hai gắn bó với nghề cơ khí của gia đình. Lúc đó ba tôi là một họa viên tại Xưởng Ba Son. Thấy nông dân phụ thuộc quá nhiều vào máy móc của nước ngoài, ông đã tự tìm tòi, chế tạo các loại máy nông cụ.

Logo của thương hiệu Bùi Văn Ngọ tồn tại đến nay do chính ba tôi vẽ, lấy ý tưởng từ cánh quạt máy. Với hiểu biết và kinh nghiệm về cơ khí, xưởng sản xuất của ông đã làm ra được những chiếc máy ép dầu với tính năng không kém các loại máy của nước ngoài. Nổi bật nhất của cơ sở Bùi Văn Ngọ là sáng chế những chiếc béc phun dầu để nấu gang và một số kim loại khác, làm thay đổi cách thức sản xuất trong ngành này lúc bấy giờ.

Máy móc phục vụ nông nghiệp của cơ sở Bùi Văn Ngọ bán ở khắp miền Nam. Cái hay của ba tôi là quan sát từ các loại máy ngoại rồi cải tiến phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mà vẫn đảm bảo về công năng, giá lại thấp hơn nhiều máy nhập khẩu. Nhà tôi có 9 anh em, cả trai lẫn gái, đều theo nghề cơ khí của ba.

* Từ sản xuất máy móc nông nghiệp, cơ duyên nào khiến ông quyết định gia nhập ngành chế biến gỗ?

– Năm 1988, ba tôi giao phần lớn công việc cho các con để phát triển kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa và mở rộng quy mô sản xuất. Từ cơ sở sản xuất nhỏ ở Chợ Lớn, năm 1993, Bùi Văn Ngọ có thêm một xưởng sản xuất quy mô lớn được mở tại An Lạc, Bình Chánh.

Đến năm 2014, Công ty Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ xây nhà máy sản xuất tại huyện Đức Hòa, Long An rộng 12ha với 12 xưởng sản xuất, hơn 1.000 công nhân và mở thêm lĩnh vực thực phẩm.

Năm 2008, chúng tôi chính thức bước vào lĩnh vực nội thất, dựa trên những chuẩn bị về nhân lực trong gia đình và thị trường. Hơn nữa, đồ gỗ nội thất là lĩnh vực mà anh em tôi đam mê.

* Kinh nghiệm về ngành cơ khí có giúp gì cho ông khi bước vào lĩnh vực sản xuất đồ gỗ?

– Dù có kinh nghiệm về quản lý và kinh doanh nhưng khi bước sang một lĩnh vực mới, chúng tôi vẫn phải thận trọng. Chúng tôi xác định đi từng bước chứ không đầu tư ồ ạt. Khởi đầu với nhà xưởng 1.800m2 phục vụ cho tất cả công đoạn, nhân công 40 người, sản phẩm làm ra phục vụ thị trường trong nước. Từ sản xuất máy móc nông nghiệp chuyển sang ngành gỗ nội thất không phải là quá khó, vì giữa 2 ngành có những yếu tố tương đồng nhất định, nhất là về thiết kế.

Với hàng nội địa, chúng tôi chủ động về khâu thiết kế với đội ngũ 4 người. Lợi thế không nhỏ của Công ty là vốn kinh nghiệm về sản xuất máy móc của gia đình. Ngoài những máy móc chính nhập khẩu từ Đài Loan và châu Âu, chúng tôi hoàn toàn chủ động trong trang bị thiết bị phụ trợ do chính Công ty Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ sản xuất.

>>Lời khuyên của bậc thầy kinh doanh cho việc mở rộng quy mô công ty

* Nhưng hiện nay đồ gỗ Bùi Văn Ngọ không chỉ phục vụ thị trường nội địa…

– Chúng tôi tham gia các hội chợ triển lãm để tìm khách hàng. Năm 2010, Bùi Văn Ngọ Furniture bắt đầu xuất những container hàng đầu tiên sang Hàn Quốc, sau đó là Nhật Bản. Tỷ lệ hàng nội địa và xuất khẩu hiện nay là 3/7. Đến nay Bùi Văn Ngọ Furniture đã có 3 nhà xưởng (mỗi xưởng 4.000m2) tại nhà máy ở Đức Hòa với 160 công nhân, hằng tháng xuất khẩu 12 – 15 container sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với đồ gỗ nội thất, mấu chốt nằm ở việc không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất, vì vậy dù gặp chút khó khăn về nhân công nhưng chúng tôi vẫn đáp ứng được lượng xuất khẩu do tự động hóa được 50% khâu sản xuất.

* Áp lực từ các doanh nghiệp gỗ ngoại với doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn. Bùi Văn Ngọ Furnitrue có nằm trong “vòng xoáy” này không và tìm hướng đi riêng bằng cách nào?

– Thực tế sản xuất đã cho thấy mức độ đầu tư máy móc, công nghệ của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn chưa cao. Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn có máy móc hiện đại, hầu hết vẫn sử dụng máy cũ hoặc sản xuất thủ công là chính. Để đầu tư ngay lập tức một số vốn lớn là thách thức không nhỏ.

Một dàn máy của Đài Loan giá khoảng 40.000 USD, của Đức khoảng 50.000 euro, còn phải tốn kém không ít cho khâu bảo trì. Hạn chế về điều kiện kỹ thuật cũng làm cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng. Nếu tự sản xuất được một số loại máy, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và cũng dễ bảo trì. Bùi Văn Ngọ Furniture đi theo hướng này.

Doanh nghiệp khi nắm được công nghệ tức là nắm được đằng chuôi, tránh bị phụ thuộc bên ngoài. Chúng tôi tự nghiên cứu sản xuất máy làm đồ gỗ. Thành quả đầu tiên là sự ra đời của máy dán nối ván lạng (verneer) VSR 1250 Plus được sản xuất theo nguyên lý mới.

Máy hoạt động theo phương pháp bôi keo 2 mặt cạnh dán của ván lạng nên ván thành phẩm không dính keo trên bề mặt. Nó có giá 680 triệu đồng và đã bán được chiếc đầu tiên. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt máy ép nóng phục vụ chế biến gỗ. Kết quả này là tiền đề để Bùi Văn Ngọ Furniture định hướng chiến lược kết hợp giữa sản xuất đồ nội thất và sản xuất máy móc ngành gỗ.

* 10 năm tham gia ngành chế biến gỗ, ông thấy thành quả đạt được có như kỳ vọng?

– So với những doanh nghiệp khác, chúng tôi vẫn còn non trẻ. 10 năm không phải là ngắn nhưng đến thời điểm này, áp lực thị trường là không đáng kể khi chúng tôi vẫn xuất khẩu đều đặn. Hướng sắp đến của Bùi Văn Ngọ Furniture là đẩy mạnh hơn thị trường nội địa, phát triển kênh bán hàng online.

Thị trường nội địa của đồ gỗ Việt Nam rất tiềm năng, nếu chú trọng đầu tư, hiệu quả sẽ rất cao. Để phát triển được ở thị trường nội địa, bên cạnh những yếu tố như năng lực sản xuất, kênh phân phối, quan trọng nhất vẫn là thiết kế và máy móc, công nghệ chế biến vì nó quyết định chất lượng sản phẩm. Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng nhà máy 40ha ngoại vi thành phố Tân An, ngoài sản xuất đồ gỗ nội thất, sẽ có thêm xưởng sản xuất ván gỗ ghép công suất 1.000m3/ngày.

Chúng tôi là công ty gia đình nên anh em trong nhà ảnh hưởng rất nhiều từ tư duy của ba. Quan điểm của ông là đề cao sự an toàn của doanh nghiệp, có đến đâu làm đến đó, không vay ngân hàng. Bùi Văn Ngọ Furniture đi theo con đường đó. Có thể chậm một chút nhưng chắc chắn.

>> Tỷ phú Elon Musk trưởng thành nhờ 5 bài học này từ cha

* Ngoài quan điểm kinh doanh ấy, còn điều gì ông cùng anh em trong nhà học hỏi từ ba mình – một doanh nhân thành đạt?

– Đức kiên trì. Trong nhà tôi có một bức tranh tường đặt tên là Lăng Tự Đức, dài 20m. Nếu đứng sát có thể nhìn rõ từng ngọn cỏ đan xen nhau. Ba tôi đã kiên trì vẽ từng chi tiết đó và hoàn thành bức tranh sau 13 năm. Mỗi ngày ông vẽ một ít, tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Đó là bài học về tính kiên nhẫn của ba mà anh em tôi rất ngưỡng mộ.

Ông vẫn nói làm nghề cơ khí thì tính kiên nhẫn là rất quan trọng. Ví dụ khi sửa một chiếc máy với đủ loại “bệnh”, anh phải có đủ sức chịu đựng để đối diện với thử thách. Chúng tôi cũng học hỏi nhiều về kỹ thuật từ ông. Thời của chúng tôi thì đã có máy móc hỗ trợ, còn thời của ông, làm thủ công là chính, một bản vẽ chi tiết hoàn toàn làm bằng tay. Tôi nghĩ sự kiên trì là vô cùng quan trọng trong kinh doanh nói chung, chứ không chỉ với lĩnh vực cơ khí.

* Quản lý doanh nghiệp kiểu công ty gia đình như đang áp dụng tại Bùi Văn Ngọ, theo ông có trở ngại nào không?

– Tôi thấy việc anh em trong nhà cùng làm với nhau lại là điều hay. Là công ty gia đình, anh em chúng tôi phân chia công việc rất rõ ràng, luôn hỗ trợ nhau. Quản lý một doanh nghiệp có đến 3 mảng kinh doanh cũng không dễ dàng với 9 anh chị em, mỗi người mỗi việc, vô cùng bận rộn. Như anh Hai tôi phụ trách mảng khách hàng, có những buổi sáng anh em hẹn uống cà phê mà suốt buổi không thể nói với nhau được một câu vì điện thoại anh đổ chuông liên tục. Chiều nào cũng vậy, 9 anh em tôi vẫn về nhà ở Bình Tân để ăn cơm cùng ba.

Ông ngồi đầu bàn, các con quây quần xung quanh. Ông vẫn say sưa nói về cơ khí, kỹ thuật. Ông thích ca hát và anh em tôi hay đệm đàn cho ông. Đó là những giây phút quý giá mà cả đại gia đình tôi luôn trân trọng sau một ngày làm việc. Tôi nghĩ nền tảng gia đình chính là nền móng của doanh nghiệp. Chính ba má tôi đã tạo dựng sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình, không chỉ ở mối quan hệ giữa con cháu mà duy trì nó cả trong công việc. Đến thế hệ các cháu, chúng đều có ý định tiếp nối truyền thống đó.

* Từ thực tế của doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm về kỹ năng quản trị và việc chuyển giao thế hệ trong mô hình công ty gia đình?

– Anh em tôi hầu như không qua trường lớp đào tạo nào về phương pháp quản trị. Chúng tôi rút tỉa kinh nghiệm từ chính thực tế điều hành doanh nghiệp, rút ra cho mình những bài học bổ ích nhất, và qua đó chúng tôi lớn lên từng ngày. Việc chuyển giao thế hệ trong công ty dựa trên nền tảng tiếp nối những giá trị định sẵn.

Ba tôi luôn muốn con cháu đi theo hướng đã định hình và phát triển tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Không nóng vội, có thể chậm nhưng chắc chắn. Khi bắt tay vào quản lý công ty, mỗi người được phân chia nhiệm vụ rõ ràng. Đặc trưng công ty chúng tôi là ngành cơ khí nên nhân sự cho mảng này chiếm phần lớn.

9 anh em tôi sống với nhau từ nhỏ đến lớn nên rất thân thiết, được ba mẹ giáo dục kỹ lưỡng về sự tôn trọng với người lớn hơn. Những lúc gần gũi trò chuyện, ông cũng luôn nhắc nhở điều này. Tinh thần đó truyền từ thế hệ chúng tôi, tiếp nối đến thế hệ các cháu. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho việc chuyển giao thế hệ.

Trong điều hành, bất đồng quan điểm là không thể tránh khỏi nhưng chủ yếu chỉ là vấn đề kỹ thuật. Khi có vấn đề cần giải quyết, mọi người sẽ họp và đưa ra ý kiến để biểu quyết. Ý chí chung của tập thể chính là quyết định cuối cùng. Tôi cho rằng dù là công ty gia đình hay mô hình nào thì khi mọi người cùng ý thức làm việc vì lợi ích chung của tập thể thì sẽ luôn tạo được hiệu quả.

* Cám ơn ông về những chia sẻ!

>> Phát triển công ty gia đình: Câu chuyện Topper’s Pizza

LẠC LÂM thực hiện