Giá lợn tăng “phi mã”, người nuôi có nên dừng bán?


Chỉ trong một vài ngày gần đây, giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh dẫn đến tâm lý muốn đóng cửa dừng bán của nhiều người chăn nuôi. Tuy nhiên, xu hướng này lại không được các chuyên gia khuyến cáo bởi việc giá lợn tăng “phi mã” là do những nguyên nhân ngắn hạn nên rất có thể chỉ gây lên cơn “sốt ảo” và việc người dân dừng bán lợn sẽ phải chịu rủi ro lớn.

 

Sau thời gian dài lao dốc, khoảng 1 tuần nay, giá thịt lợn hơi (tính theo khối lượng xuất nguyên con) liên tục tăng lên mức trên 40.000 đồng/kg tăng gần 1,5 triệu đồng/tạ so với 1 tuần trước. Nhiều hộ gia đình vừa bán hết đàn lợn đã tỏ ra vô cùng chán nản vì “tiếc của”, trong khi đó nhiều trang trại đang còn lợn lại muốn “đóng cửa” trữ hàng chờ giá lên cao hơn.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, hợp tác xã Hoàng Long, Hà Nội cho biết: “Trang trại của tôi vừa xuất chuồng 30 con lợn trên 100kg được khoảng 1 tuần nay thì giá lên. Tại thời điểm tôi bán giá lợn móc (tính theo khối lượng thịt sau khi giết mổ) chỉ rơi vào 32.000 đồng/kg nhưng nay đã lên tới 50.000 đồng/kg và các thương lái bán thịt giá 75.000 đồng/kg ở vùng ngoại ô Hà Nội, tại khu vực Nội thành giá sẽ còn cao hơn nhiều”.
Tương tự, ở khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng tăng cao lên gần mức 36.000 đến 40.000 đồng/kg lợn hơi, khiến nhiều trang trại có động thái ngừng bán ra để chờ giá lên cao rồi mới “xả hàng”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá lợn trong thời gian tới tăng mạnh là do miền Nam của Trung Quốc đang trải qua đợt mưa lũ lớn, sạt lở nghiêm trọng dẫn đến thiếu nguồn cung, vì vậy, việc giá lợn tăng cao chỉ là biểu hiện ngắn hạn, do đó, người dân cần cẩn trọng.
Ông Nguyễn Xuân Dương  – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Đúng là thị trường thị lợn đang tốt dần lên, tuy nhiên trước những tín hiệu này chúng ta không nên quá lạc quan, bởi sự tốt lên của thị trường không biểu hiện căn cốt về quan hệ cung cầu. Những tín hiệu tích cực của thị trường thịt lợn đang chỉ mang tính thời điểm, chưa ổn định”.
Cũng theo ông Dương, “lúc này người chăn nuôi không nên tăng đàn, không tăng quy mô chăn nuôi. Với quy mô đàn nái, năng lực sản xuất, công suất chuồng trại hiện có, chỉ cần chúng ta tăng khả năng quản lý chăn nuôi, tổ chức sản xuất tốt, có thể cho phép tăng thêm 30% sản lượng thịt để đáp ứng thịt trường mà không cần phải tăng đàn. Vì vậy người nuôi không nên tăng đàn để gánh thêm rủi ro. Chỉ cần tổ chức sản xuất tốt với những gì hiện có là hiệu quả sẽ tăng lên”.
Do thời gian qua giá lợn xuống, người nuôi đã buông lỏng chăn sóc đàn lợn, buông lỏng tiêm vacxin phòng bệnh nên sức khỏe lợn hiện nay không được tốt. Vì vậy người chăn nuôi lúc này cần tập trung tăng cường khâu kiểm soát dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vacxin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Hơn nữa thời gian tới sẽ vào mùa mưa bão, khi đó độ ẩm lớn, mầm bệnh nhiều, kết hợp khối lượng vật nuôi trung chuyển lớn vào các tháng cuối năm sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh so với mọi năm.
Hiện tại, do giá lợn tăng cao nên khu vực phía Bắc đã không còn nhiều lợn quá lứa (trên 100 kg) còn tại khu vực phía Nam, chỉ tỉnh riêng Đồng Nai, lượng heo thịt đến thời điểm xuất chuồng hiện còn khoảng 176 ngàn con, giảm trên 50,3 ngàn con so với thời điểm đầu tháng 6/2017. Trong đó, heo nuôi trong các nông hộ chỉ còn 55 ngàn con, số còn lại nuôi trong các trang trại lớn của các doanh nghiệp.

Hạ An