FPT: Mục tiêu doanh thu khối công nghệ đạt 1 tỷ USD vào năm 2021 là “hơi khiêm tốn”


Theo lãnh đạo FPT, năm 2018 mảng công nghệ đã góp vào doanh thu của FPT hơn 500 triệu USD, mục tiêu năm 2021 mảng công nghệ đạt doanh thu 1 tỷ USD, FPT tương ứng tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm. 

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư của Tập đoàn FPT (mã FPT) với chủ đề “Chuyển đổi số tại thị trường toàn cầu – cơ hội của FPT” diễn ra cuối tuần vừa qua, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, trọng tâm phát triển trong những năm tới của FPT là công nghệ vì hiện chúng ta có một thị trường gần như không giới hạn trên thế giới.

Báo cáo của IDC (2018) cho thấy, dịch vụ công nghệ thông tin kỳ vọng tốc độ tăng trưởng bình quân 2,6%/năm, từ mức 3.474 tỷ USD năm 2018 lên mức 4.046 tỷ USD năm 2021. Trong khi đó, chuyển đổi số (DX – Digital Transformation) toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 16,7%/năm, qua đó quy mô thị trường sẽ đạt mức 1.702 tỷ USD vào năm 2021, từ mức 1.071 tỷ năm 2018; tăng trưởng cao hơn rất nhiều lần tăng trưởng của ngành dịch vụ công nghệ thông tin.

Để chuẩn bị cho thời cơ mới, không chỉ chuẩn bị nhân sự chất lượng cao, FPT đã tăng cường hợp tác quốc tế ở hầu hết các thị trường quan trọng như ở Nhật Bản FPT đi cùng với SCSK thuộc Tập đoàn Sumitomo, ở Mỹ FPT đi cùng Intellinet….
Theo FPT, động lực tăng trưởng chính cho giai đoạn tới là chuyển đổi số với mức tăng trưởng trung bình 40 -45%/năm và chuyển đổi số sẽ đóng góp khoảng 45% tổng doanh thu của FPT vào năm 2021.
Tổng giám đốc FPT, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, với nguồn lực hiện có, khối kinh doanh chuyển đổi số của FPT sẽ đóng góp rất lớn cho Tập đoàn, thậm chí có thể chiếm đến 50% doanh thu của Tập đoàn trong 5 – 10 năm tới.

“FPT sẽ đi rất sâu vào công nghệ, doanh thu đến từ khối thương mại không bền vững và FPT không tập trung vào khối thương mại” – lãnh đạo FPT chia sẻ. Dự kiến khối công nghệ sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu, đóng góp 60% doanh thu của Tập đoàn vào năm 2021. Thị trường nước ngoài sẽ chiếm 73% doanh thu khối công nghệ.

FPT đã ký hợp đồng lớn nhất trong lịch sử 3 thập kỷ phát triển của Tập đoàn, tổng giá trị 115 triệu USD.

Trong 3 năm, giai đoạn 2016 – 2018, doanh thu tăng trưởng bình quân 34%/năm; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 16%/năm; nhưng giai đoạn tiếp theo 2019 – 2021 FPT dự kiến mức tăng trưởng bình quân 17,8%/năm cho doanh thu và 20%/năm cho lợi nhuận trước thuế. Tỷ trọng đóng góp của khối công nghệ từ mức 58% cho giai đoạn 2016 – 2018 sẽ tăng lên 60% cho giai đoạn 2019 – 2021.

Theo lãnh đạo FPT, mặc dù tỷ trọng của khối công nghệ chỉ tăng thêm 2% sau 3 năm nhưng để nâng tỷ trọng đóng góp của mảng này lên đòi hỏi FPT phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, và thời gian phải “chín muồi”.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc đưa ra mục tiêu khối công nghệ sẽ đem về 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2021 có quá tham vọng hay không? Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc FPT cho rằng, năm 2018, doanh thu khối công nghệ của FPT là hơn 600 triệu USD, trong vòng 3 năm tới, mảng công nghệ đạt 1 tỷ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ hơn 20%/năm.
“Như đã nêu, quy mô thị trường là rất lớn nhưng bạn lãnh đạo FPT muốn trình bày phương án khả thi nên tôi thấy con số 1 tỷ USD là hơi khiêm tốn. Với tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ hơn 20%/năm chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được”, ông Phương nói. 
Đối với rủi ro của chuyển đổi số, theo ông Trương Gia Bình rủi ro chuyển đổi số là FPT có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì vậy, FPT đang vạch ra lộ trình phát triển nguồn nhân lực nội tại lớn nhất.
Bên cạnh đó, FPT tăng cường hợp tác quốc tế như hợp tác với SCSK ở Nhật Bản, hay tại thị trường Mỹ FPT đã M&A thành công công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ – Intellinet. Tới đây, FPT sẽ tiếp tục M&A để đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ cao cấp này.
Được biết, 3 khách hàng lớn nhất của FPT về chuyển đổi số là Innogy SE với hợp đồng trị giá 115 triệu USD, một công ty ở Pháp với giá trị hợp đồng khoảng 40 triệu USD, một công ty ở Nhật Bản với giá trị hợp đồng khoảng 30 triệu USD.

 

HỒNG QUÂN