Formosa, bauxite Tây Nguyên vào diện kiểm soát đặc biệt về môi trường


Sáng 27-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo thường kỳ quý IV/2017.

Trả lời câu hỏi về đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường đối với các doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) Hoàng Văn Thức khẳng định: đây là đề án áp dụng đối với những cơ sở có thể phát sinh ô nhiễm môi trường cao. Đề án được thực hiện theo chỉ đạo trong Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ sau khi xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng đối với Formosa. Mục tiêu của đề án là kiểm soát được ô nhiễm môi trường, không để bị động như thời điểm năm 2016.

Theo ông Thức, đề án nêu rõ 6 loại hình doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, như doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện, kha thác khoáng sản…

Ngoài ra, đề án cũng xác định bộ tiêu chí để từ đó xác định những loại hình có phát sinh chất thải gây ô nhiễm, cụ thể tiêu chí đó là: quy mô, công suất có tầm ảnh hưởng rộng; vị trí đặt dự án; công nghệ sản xuất; công tác kiểm soát của dự án… Bên cạnh đó, cũng có tiêu chí rà soát dự án ngay từ khâu cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường… để phòng ngừa.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã lấy ý kiến, rà soát được 28 cơ sở để đưa vào kiểm soát đặc biệt. Các doanh nghiệp như Formosa, chủ dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo, bauxite Tây Nguyên… đã được đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt này…”, ông Thức cho biết.

Nhóm 28 cơ sở nói trên sẽ do Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì với các bộ và địa phương kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, đề án cũng có khoảng 300 cơ sở sản xuất, dự án bị kiểm soát ở cấp địa phương. Nhóm này sẽ do các tỉnh sẽ triển khai kiểm tra, giám sát để đôn đốc thực hiện về bảo vệ môi trường.

Liên quan đến quy chuẩn thải đối với Formosa, đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho biết đã rà soát và đề xuất sửa đổi 24 quy chuẩn về kiểm soát môi trường. Cùng đó, đề xuất sửa đổi 3 quy chuẩn liên quan đến ngành thép (về khí thải, nước thải, trầm tích đáy).

“Sự cố môi trường với Formosa là sự cố lớn. Sau đó, chúng tôi đã rà soát tất cả thủ tục cấp phép, thẩm định đánh giá tác dộng môi trường và công tác xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Ngoài các quy chuẩn đã được rà soát và đề xuất sửa như đã nói, các quy chuẩn khác theo lộ trình cũng sẽ được bộ ban hành trong quý I, II năm tới. Nguyên tắc là vẫn phải bảo đảm hài hoà các yếu tố phát triển, sản xuất với môi trường”, ông Thức nhấn mạnh thêm.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và môi trường, việc yêu cầu Formosa phải đáp ứng các quy chuẩn về môi trường của quốc tế, việc rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn của Việt Nam được thực hiện theo hướng quy định chặt chẽ hơn, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam và hội nhập quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam. 

Hoài Phương