Bộ Công Thương: Đã sẵn sàng với CPTPP


Chiều 9/3, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đã có buổi trao đổi với báo chí nhân sự kiện ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile.

Xin ông cho biết những điểm khác cơ bản giữa CPTPP so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
 Ông Lương Hoàng Thái: Hiệp định CPTPP cơ bản kế thừa nội dung cơ bản nhất của TPP trước đây. Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP thì 11 nước thống nhất một số điều chỉnh đối với hiệp định TPP trước đây cho phù hợp tình hình mới. Do đó, TPP trước đây được đổi tên thành CPTPP và nội dung của nó cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Nội dung thay đổi chính là một nhóm gồm 20 nghĩa vụ được tạm hoãn thực thi. Tạm hoãn tức là hàm ý nếu Hoa Kỳ trong thời điểm nào đó quay lại và chấp nhận tham gia hiệp định với nội dung các nước đã ký trước đây của TPP thì các nước chấp nhận thực hiện điều khoản tạm hoãn. Phần tạm hoãn quan trọng nhất liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ bởi các nghĩa vụ này đều do Hoa Kỳ đề xuất trong đàm phán. Hơn nữa, việc thực hiện cam kết quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có nguồn lực kinh tế mới triển khai được.
Trước đây, TPP với sự hiện diện của Hoa Kỳ tạo ra lợi ích nhất định về mở cửa thị trường nên các nước đánh đổi lại bằng thực thi sở hữu trí tuệ. Nay lợi ích của TPP trước đây nó thay đổi nên các nước tạm hoãn nhóm nghĩa vụ này.
Với riêng Việt Nam, có một số nội dung được điều chỉnh như lao động, công đoàn… để tăng chủ động.
CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Vậy soi vào lợi thế xuất khẩu, Việt Nam có thể đạt được như thế nào khi tham gia CPTPP?
CPTPP cơ bản kế thừa TPP về nội dung cam kết mở cửa thị trường. Đây là cố gắng lớn trong bối cảnh bảo hộ quốc tế đang tăng lên. Lợi ích từ việc mở cửa thị trường từ các nước cho Việt Nam thông qua việc gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn, thường là khoảng 7 năm; còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn. Hiện nay theo nghiên cứu thuế trung bình ta phải gặp khi xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%. Nếu thuế đưa về 0% thì sẽ có những tác động trực tiếp.
Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam, như: dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước. Đơn cử như trước đây ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước, nhưng gần đây ta có vươn ra mua sắm công ở nước ngoài.
Ở góc độ vĩ mô, nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy lợi ích gián tiếp cao hơn nhóm lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Ngân hàng Thế giới nhận định tác động trực tiếp lên tăng trưởng GDP là 1 điểm phần trăm nhưng tác động gián tiếp có thể là 3,6 điểm phần trăm.
Ngoài ra, còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan. Trên thực tế, khi các nước có hiệp định thương mại tự do với nhau thì tức là chấp nhận luật chơi chung, có chất lượng quản lý, thương mại… Từ đó, có sự tin tưởng nhau hơn và do thế, rào cản phi thếu quan giữa các nước giảm đi nhiều. Đơn cử như thời gian trung bình để 1 nước công nhận 1 mặt hàng tuân thủ quy định với nước trong hiệp định thương mại giảm 3 lần so với nước không có hiệp định thương mại.
Góc độ quan trọng khác là khẳng định chủ trương của ta về cải cách để hội nhập. Qua đó, ta có định vị về cách thức cải cách trong tương lai theo hướng dễ tiên liệu và phù hợp tiêu chuẩn đã được các nước thành công trong quá khứ áp dụng, vì các nước CPTPP đã rất thành công trong cải cách để hội nhập kinh tế toàn cầu, giúp tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh…
Ông có thể cho biết nhóm nào hưởng lợi nhiều trong hội nhập vào CPTPP?
Lợi ích không chia sẻ đều cho các lĩnh vực. Với Việt Nam, trong đàm phán, chúng ta tập trung vào mặt hàng liên quan đời sống của đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như nông dân, hay một số lĩnh vực có nhiều lao động như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm… Nghiên cứu gần đây cho thấy tác động của CPTPP đối với nền kinh tế tác động xóa đói giảm nghèo là rất lớn.
Hiệp định thương mại là có đi có lại. Khi các nước giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam xuống 0% thì Việt Nam sẽ phải mở cửa thế nào?
Đây là quan hệ 2 chiều, các nước cùng mở cửa cho nhau. Bên cạnh cơ hội ta có được khi mở rộng thị trường các nước thì ta phải đối đầu cạnh tranh ở mức cao hơn. Ta đã có nghiên cứu, đánh giá ban đầu để điều chỉnh kế hoạch. Lĩnh vực dự kiến có cạnh tranh lớn là ngành chăn nuôi, đặc biệt thịt gà, thịt lợn, có cạnh tranh của nước ngoài cao hơn trước đây. Ngoài ra còn nhiều ngành khác chịu cạnh tranh.
Tuy nhiên, ta có nước chuẩn bị khá lâu cho bước chuẩn bị, đã mở cửa cho đối thủ của ta như: ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Tất nhiên, trong bối cảnh tham gia nhiều hiệp định thương mại thì luôn có 2 mặt là cơ hội và thách thức. Và trong nhiều trường hợp, thách thức rất lớn. Ta có khả năng vượt qua thách thức thì kết quả đạt được nhân lên gấp bội.
Các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị tốt chưa để vượt qua khó khăn, thưa ông?
Ta đã có sự chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại trong thời gian qua. Việc chuẩn bị của doanh nghiệp không có câu trả lời chung là tốt hay không tốt, mà trong từng ngành, từng lĩnh vực có diễn biến khác nhau. Như khi ta tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN với Australia và New Zealand, nhiều ý kiến cho rằng ta không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với 2 nước này bởi vì chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới. Nhưng, thực tế thì ngành sữa vươn lên phát triển mạnh hơn.
Tất nhiên, có những ngành vẫn không cạnh tranh được. Nếu không cạnh tranh được thì từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất. CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để doanh nghiệp chuẩn bị. Ta sẽ có sự dịch chuyển lao động từ ngành chưa hiệu quả sang ngành có hiệu quả cao hơn. Đây là luận điểm quan trọng để ta có điều kiện để điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi hơn.
Cuối cùng, có nhóm cần đặc biệt ưu tiên trong quá trình thực thi là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ, kế hoạch hành động cần lưu ý làm sao để họ tận dụng cơ hội và điều chỉnh cạnh tranh.
Xin cảm ơn ông!

Hoài Phương