9 tháng đầu năm Việt Nam nhập hơn 4.400 khăn Trung Quốc giá chỉ 30.000 đồng/chiếc


Theo số liệu sơ bộ 9 tháng đầu năm 2017, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm từ Trung Quốc đã tăng trở lại với 4.460 chiếc, trị giá 5.878 USD tương ứng, bình quân mỗi chiếc chỉ có giá 30.000 đồng.

Tổng cục Hải quan vừa có số liệu thống kê sơ bộ về tình hình nhập khẩu mặt hàng khăn tơ tằm và Vải tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc giai đoạn năm 2015 đến tháng 9/2017. Trong đó, khăn tơ tằm gồm các loại khăn choàng, khăn quàng cổ, khăn choàng rộng đội đầu, khăn choàng vai, mạng che và các loại tương tự từ tơ tằm hoặc phế liệu tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan cho biết 9 tháng 2017, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm đã tăng trở lại với 4.460 chiếc, trị giá 5.878 USD tương ứng, bình quân mỗi chiếc chỉ có giá 30.000 đồng.

Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu 153.376 mét và 157.297 mét vuông vải tơ tằm, giá trị lần lượt là 534.000 USD và 312.000 USD.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, nhập khẩu khăn tơ tằm và vải tơ tằm cũng biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2015, Việt Nam nhập khoảng 3.763 chiếc khăn Trung Quốc, giá trị 20.497 USD, bình quân khoảng 105.000 đồng/chiếc. Cũng trong năm này, Việt Nam nhập khẩu 293.208 mét và 342.045 mét vuông vải tơ tằm.

Sang năm 2016, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm giảm mạnh xuống chỉ còn 577 chiếc với trị giá 9.458 USD, bình quân 372.000 đồng/chiếc. Số lượng nhập khẩu vải tơ tằm cũng thay đổi với 307.641 mét và 180.887 mét vuông.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, về địa điểm nhập hàng khăn lụa, vải tơ tằm Trung Quốc về Việt Nam, năm 2015, cửa khẩu hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất nhập hàng nhiều nhất với trị giá hơn 1,8 triệu USD, cảng Hải Phòng đứng thứ 2 với hơn 1 triệu USD.

Năm 2016, cửa khẩu hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất nhập hơn 1 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2017, Hải quan cảng Cát Lái và Sân bay Tân Sơn Nhất nhập nhiều nhất trị giá gần 500.000 USD.

Hôm qua (30/10), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Đồng thời, đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.

Trước đó, ngày 25/10, Hoàng Khải, ông chủ Khaisilk đã thừa nhận việc bán lẫn khăn lụa “made in China” với “made in Vietnam”. 

Nguyễn Thảo