Nghề bảo mẫu lương hàng nghìn đô ở Singapore


Nhu cầu bảo mẫu chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh đang tăng nhanh ở Singapore, với mức lương hấp dẫn.

Pearlyn Cheok, 35 tuổi, không có con, nhưng tình yêu với trẻ đã mang lại hợp đồng chăm sóc hơn 14 trẻ sơ sinh trong vòng hai năm qua cho người phụ nữ Malaysia này. Kể từ đó, cô dành nhiều thời gian với những gia đình mới quen ở Singapore hơn là ở nhà với chồng tại Kulai, bang Johor, theo CNA.

Cheok là một trong hơn 4.000 người Malaysia được chính quyền Singapore cấp giấy phép hành nghề bảo mẫu mỗi năm. Họ được thuê để chăm sóc, hướng dẫn sản phụ và trẻ sơ sinh.

Những bảo mẫu này thường được thuê trọn gói ăn ở tại nhà chủ khoảng 28 ngày, với mức lương 1.800 – 3.000 USD. Họ còn được được nhận lì xì cho buổi đầu và buổi cuối nếu chăm sóc tốt.

“Tới nay, đây là công việc khiến tôi tâm đắc nhất. Công việc vất vả, đòi hỏi một ‘trái tim’ thực sự, vì để làm việc này cần có lòng yêu thương và sự chu đáo”, Cheok nói.

Cô không phải tuýp bảo mẫu điển hình, những người phụ nữ thường trong độ tuổi 40 – 50. Cheok làm nghề này sau khi từng làm nhiều công việc khác thời trẻ như cố vấn, thư ký, bán hàng, nhân viên quảng cáo.

Các trung tâm đào tạo cho biết tại Singapore, nơi lực lượng lao động đang già hóa và nhu cầu thuê bảo mẫu là người trong độ tuổi tráng niên như Cheok rất lớn. 

Bà Peh Ah Moy, 59 tuổi, là một bảo mẫu đã nghỉ hưu. Bà cho biết hiếm người muốn sống xa gia đình và chuyển hẳn tới một gia đình khác làm việc gần như 24 tiếng một ngày. Nếu như có con nhỏ, việc này còn khó khăn hơn.

Đối với một phụ nữ trẻ, công việc này không hề dễ dàng, bởi người có càng nhiều kinh nghiệm càng được đánh giá cao.

“Nhu cầu tìm bảo mẫu như chúng tôi rất cao, nhưng lại rất khó tìm bởi vì chẳng có tiêu chuẩn cụ thể nào cả. Họ đánh giá hiệu quả của một bảo mẫu theo lời giới thiệu và kinh nghiệm thực tế, chứ không phải qua bản lý lịch”, bà Peh nói.

So với 16 năm trước khi mới bắt đầu vào nghề, bà Peh cho biết lương đã tăng từ 1.200 USD lên hơn 2.200 USD. Đa số bảo mẫu làm việc ở Singapore đều là người Malaysia. Tuy cũng có người Singapore làm bảo mẫu, nhưng rất ít và rất khó tìm.

Bà Dorothy Tan, 41 tuổi, đã bỏ việc 10 năm trước để làm nghề bảo mẫu chuyên nghiệp. Bà cho biết những người Singapore làm bảo mẫu như bà rất hiếm và luôn ngập trong đơn đặt trước. Họ thường được đặt trước nhiều tháng trước khi em bé ra đời.

“Khách hàng đều là người Singapore. Tôi quen một số người, nhưng họ đều ký hợp đồng từ nước ngoài. Họ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng từ khi mới mang thai”, bà Tan nói.

Nâng cao trình độ

Tại Singapore, có rất nhiều tổ chức khác nhau cung cấp các chương trình và khóa đào tạo, nhưng lại không có một tiêu chuẩn thống nhất. Một số bệnh viện có uy tín đã cung cấp các khóa học đào tạo kỹ năng cơ bản. Đối với Cheok, cô muốn trở thành bảo mẫu chuyên nghiệp khi biết rằng có thể đi học và nhận chứng chỉ.

“Đi học để nắm bắt kỹ năng và kiến thức, đồng thời có chứng chỉ, sẽ giúp bạn sử dụng nó để có việc làm tốt hơn”, cô nói.

Cheok đã tham gia một khóa đào tạo do Bệnh viện Thomson tổ chức và cấp chứng chỉ Bảo mẫu Thiên thần. Khóa học lý thuyết kéo dài 5 ngày và Cheok có một tuần thực tập bao gồm các nội dung chăm sóc trẻ, vệ sinh, lập kế hoạch lượng ăn, hiểu biết về y học cổ truyền Trung Quốc và nuôi con bằng sữa mẹ.

Một chương trình khác do Hội sáng kiến cho phụ nữ trung niên (WINGS) cung cấp, nhắm mục tiêu vào phụ nữ ngoài 40 tuổi muốn học kỹ năng chăm sóc trẻ để chăm cháu ruột sắp ra đời, hoặc trở thành bảo mẫu chuyên nghiệp để tăng thu nhập cho gia đình.

WINGS cho hay kể từ khi chương trình bắt đầu từ năm 2009 tới nay, hơn 400 phụ nữ Singapore và người ngoại quốc có thẻ thường trú ở Singapore đã tham gia khóa đào tạo, giảng viên là y bác sĩ bệnh viện Thomson và KK. 

“Những năm gần qua, số lượng người tham gia khóa học tăng dần”, bà May Tan, người tổ chức chương trình ở WINGS nói.

Ông Gilbert Tan, trung tâm Bảo mẫu Thiên thần, nhận thấy nhu cầu thuê bảo mẫu chuyên nghiệp đang tăng lên, đặc biệt khi quy mô gia đình Singapore đang thu hẹp.

“Đa số các gia đình bây giờ chỉ có một tới hai con và họ muốn cho con thứ tốt nhất. Nhiều bà mẹ không hiểu cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Vì thế, chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngành dịch vụ này đang ngày càng tăng lên”, ông Tan nhận định.

Chương trình này cũng cho phép Cheok hiểu rõ hơn nhu cầu của một gia đình Singapore, nó khác hẳn so với cuộc sống của một gia đình Malaysia.

“Nếu tôi thực hiện công việc bảo mẫu như đã làm ở Singapore tại Malaysia, chắc chắn sẽ thất bại. Người Malaysia chú trọng tới việc ăn uống của sản phụ hơn là người mẹ và bản thân đứa trẻ. Đó là do các gia đình có xu hướng sống gần và giúp đỡ nhau”, Cheok cho hay.

“Còn tại Singapore, chăm sóc trẻ sơ sinh là ưu tiên hàng đầu. Các bữa ăn ngày và đêm của trẻ, thay tã, hỗ trợ mẹ khi họ không thể cho con bú”, cô nói.

Rachel Ang, 39 tuổi, được lên cấp làm người đào tạo sau hai năm làm bảo mẫu chuyên nghiệp. Cô được lựa chọn dựa trên nhân cách, kinh nghiệm và phản hồi của khách hàng tham dự khóa đào tạo một tuần trong chương trình của bệnh viện Thomson.

“Ngoài chuyện huấn luyện các kỹ năng bảo mẫu, tôi còn học được cách quản lý lớp học và khích lệ học viên. Đối với một số người, đây là lần đầu tiên họ xa quê. Vì thế tôi cũng cần phải chú ý tới điều này”, Ang nói. 

Ngoài việc học kỹ năng chăm trẻ, học viên được hướng dẫn cách ghi chép những thông tin hữu ích cho bố mẹ và bác sĩ nhi. Một số tổ chức đào tạo cấp cho bảo mẫu sổ theo dõi sức khỏe trẻ, trong đó yêu cầu ghi lại lượng ăn, số lần đại tiểu tiện, số lần thay tã và nhiệt độ của trẻ. Quyển số đóng vai trò hướng dẫn cho bố mẹ sau khi bảo mẫu hết hợp đồng.

Sổ theo dõi giờ giấc ăn uống, tiểu tiện của trẻ. Ảnh: CNA.
Sổ theo dõi giờ giấc ăn uống, tiểu tiện của trẻ. Ảnh: CNA.

Rachel Scully, một bà mẹ trẻ từng thuê bảo mẫu của trung tâm PEM cho biết, những ghi chép này có vai trò cực kỳ quan trọng.

“Ngày tôi ra viện, bé nhà tôi không hề đại tiện hay tiểu tiện lần nào mà tôi quên mất vì quá mệt do hầu như không được chợp mắt khi ở trong viện. Thật may mắn khi bảo mẫu tới nhà, bà kiểm tra và nói: ‘Tôi tới nhà cô được vài tiếng rồi nhưng không thấy em bé thay cái tã nào cả’. Tôi và chồng đều hoảng hốt. Bà ấy bảo có thể đó là dấu hiệu em bé bị mất nước”, Scully nhớ lại.

Bảo mẫu đề nghị cho em bé ăn thử sữa công thức một tối và vấn đề được giải quyết. 

Tiềm năng

Nancy Tan từng làm bảo mẫu cho các gia đình người Đức, Trung Quốc tại Australia và một gia đình theo Hồi giáo người Indonesia. Sau khi hết hợp đồng với gia đình người Indonesia, cô được họ giới thiệu cho khách hàng khác.

Bà Phua, 53 tuổi, cũng là một bảo mẫu tự do. Bà cho biết khách hàng ngoại quốc thường trả nhiều tiền hơn. Ví dụ, một gia đình Australia từng trả thêm bà gần 400 USD.

Cheok đang giảng dạy về cách chăm sóc trẻ cho những phụ nữ khác. Ảnh: CNA.
Cheok đang giảng dạy về cách chăm sóc trẻ cho những phụ nữ khác. Ảnh: CNA.

Nhu cầu về bảo mẫu chăm sóc sản phụ ở cữ và bảo mẫu chuyên nghiệp không chỉ giới hạn ở Singapore. Tại Trung Quốc, bảo mẫu được đào tạo và cấp giấy chứng nhận nghề cấp nhà nước. Một số người còn được trả lương cao hơn giám đốc điều hành cấp trung. Theo một bài báo trên New York Times năm 2015, một số khách hàng sẵn sàng trả tới 27.000 USD một tháng cho bảo mẫu giàu kinh nghiệm.

Hồng Hạnh