Phi công làm gì khi máy bay gặp khủng bố?

Máy bay được đánh giá là phương tiện giao thông an toàn nhất thế giới, dù giá thành không hề rẻ. Mỗi máy bay đều được thiết kế theo một chuẩn nhất định, đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách nhờ sự kết hợp của công nghệ buồng lái, kiểm soát không lưu, và trình độ của phi công.

Mặc dù số vụ cướp máy bay là rất ít, nhưng nếu xảy ra sự cố, hậu quả không hề nhỏ. Trên thực tế, đã có những vụ không tặc khiến cả thế giới choáng váng.

Điển hình trong đó là vụ cướp máy bay bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không do một người đàn ông có tên Dan Cooper thực hiện vào ngày 24/11/1971, trên chuyến bay số hiệu 305 của hãng hàng không Northwest Orient, khởi hành từ bang Oregon đến thành phố cảng Seatle, phía Tây bang Washington. Đến nay, vụ không tặc này vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải.

Phi cong lam gi khi may bay gap khung bo? hinh anh 1
Các phi công đều được huấn luyện kỹ lưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp mà họ có thể gặp trong các chuyến bay. Ảnh: Getty.

Ngoài những yếu tố về kỹ thuật, kỹ năng của phi công là yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn bay. Các phi công đều được huấn luyện kỹ lưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp mà họ có thể gặp trong các chuyến bay. Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng bố, phi công được cấp những mã số an ninh, nhằm truyền đạt thông tin được gọi là squawking về các kịch bản có thể xảy ra trong các chuyến bay dân dụng đến trạm kiểm soát không lưu dưới mặt đất.

Trước khi cất cánh, đài kiểm soát không lưu sẽ cấp cho từng máy bay một mã an ninh nhất định. Mã số này sẽ được gửi về mặt đất thông qua một thiết bị điện tử được gọi là bộ phát đáp (transponder). Theo quy định Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), mã số này có giới hạn nhất định và tối đa đến dãy số 7777.

Trong đó, mã đặc biệt dành cho trường hợp khi máy bay bị không tặc hoặc khủng bố tấn công, được áp dụng trên toàn cầu là “mã sự cố 7500”. Mã 7600 áp dụng khi máy bay mất liên lạc với mặt đất và mã 7700 đối với các tình huống khẩn cấp chung…

Các mã số khẩn cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp đài kiểm soát không lưu nắm bắt được điều gì đang diễn ra trên chuyến bay, để đưa ra sự giúp đỡ tốt nhất cho phi hành đoàn. Tùy vào từng mã, mặt đất có thể đưa ra các cách ứng phó khác nhau, để trợ giúp máy bay gặp nạn có thể hạ cánh an toàn, đảm bảo tính mạng cho tất cả hành khách.

Lợi ích của các mã này không phải bàn cãi, tuy nhiên thực tế cũng xuất hiện các tình huống “dở khóc dở cười” khi phi công vô tình gửi nhầm mã về mặt đất.

Năm 2016, một phi công của hàng hàng không Saudi Airlines có trụ sở tại Jeddah (Saudi Arabia) đã gửi nhầm mã squawking 7500 hai lần trong một chuyến bay tới Philippines. Sự nhầm lẫn này đã khiến chiếc máy bay Boeing 777 bị cách ly ngay khi vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Manila. Cảnh sát phong tỏa chiếc máy bay và hành khách bị mắc kẹt tại đó hơn hai giờ.