Xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng: Kinh nghiệm từ Israel

Trò chuyện với nhóm phóng viên ngày 25/6 tại Tel Aviv, giáo sư Issac Ben Israel, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu mạng liên ngành Blavatnik, Đại học Tel Aviv, người được coi là cha đẻ ngành an minh mạng của Israel, nói rằng, hệ sinh thái an ninh mạng gồm 3 thành tố cơ bản: chính phủ, ngành công nghiệp và cơ sở giáo dục-đào tạo.

Theo kinh nghiệm của Israel, chính phủ chỉ điều chỉnh, đưa ra các quy định mới, thành lập cơ quan chuyên trách về an ninh mạng, nhưng mang tính chất dân sự, không phải là tổ chức ra lệnh, điều tra hoặc bắt giữ kẻ xấu. Cơ quan này xem xét các hệ thống, đặc biệt là mạng máy tính của các cơ sở hạ tầng trọng yếu như sản xuất điện, cấp nước, để phát hiện những lỗ hổng, những phần mềm độc hại (malware) để kịp thời gỡ bỏ.

Việc không giám sát bí mật, không vi phạm quyền riêng tư khiến các tổ chức, người dân tin tưởng và nghe theo các khuyến nghị của cơ quan an ninh mạng quốc gia, như kịp thời cập nhật các bản vá lỗi của hệ điều hành, giáo sư Israel nói. “Cơ quan này chỉ làm sạch thông tin, hoạt động giống như bác sĩ vậy, loại bỏ virus khỏi người bệnh nhân”, giáo sư Issac ví von.

Theo giáo sư Issac, yếu tố giáo dục-đào tạo quan trọng hơn cả trong việc phát triển hệ sinh thái an ninh mạng. “Việt Nam có dân số đông, trong đó hơn một nửa dân số là người dùng Internet. Các bạn cần phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, cần đào tạo những người trẻ, không chỉ ở bậc học đại học mà cả cấp phổ thông”, ông nói.

Ở cấp học phổ thông, Israel đã chú ý vấn đề này; trong số môn thi tự chọn, học sinh cấp ba được khuyến khích chọn thi về an ninh mạng. Một số trường đại học thành lập chuyên khoa hoặc trung tâm nghiên cứu an ninh mạng và nhiều trường khác nghiên cứu, giảng dạy những lĩnh vực liên quan an minh mạng ở nhiều khoa khác nhau. “Ví dụ, khoa luật nghiên cứu, giảng dạy về các vấn đề luật liên quan an ninh mạng”, giáo sư Issac nói.

Ông dẫn chứng vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Apple sa vào trận chiến pháp lý liên quan việc mở khóa chiếc điện thoại iPhone của đối tượng xả súng gây ra vụ thảm sát ở thành phố San Bernardino, bang California Mỹ năm 2015.“FBI có khả năng mở khóa iPhone, nhưng họ không có quyền làm việc đó. Chiếc điện thoại là vật sở hữu cá nhân của công dân Mỹ và theo những gì thể hiện trên báo chí, họ tôn trọng quyền công dân”, giáo sư Issac nói.

Tuyển chọn, ưu đãi nhân tài máy tính

Về giáo dục, đào tạo an ninh mạng phục vụ an ninh quốc gia, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Israel (IDF) ngày 25/6 cũng trao đổi chi tiết với phóng viên về cách thức tuyển dụng cũng như trọng dụng sau này với điều kiện không được nêu họ tên, cấp bậc, chức danh của ông.

“Vì thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Israel là bắt buộc với mọi công dân đủ tuổi, nên chúng tôi tuyển được nhiều người giỏi về toán, kỹ thuật, máy tính, mật mã. Ban đầu, chúng tôi cho kiểm tra tại nhà, từ xa. Sau đó, gặp mặt trực tiếp, hỏi đáp thật sâu. Việc tiếp xúc trực tiếp mang tính cá nhân như vậy rất quan trọng”, ông nói.

Khi chọn được người giỏi rồi, lực lượng phòng vệ Israel rất quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng cá nhân của họ, hỏi xem họ có thích học cao học, thích lấy bằng tiến sĩ, thích làm cho công ty tư nhân bên ngoài không. “Nếu họ thích, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện. Chúng tôi luôn đưa ra những hợp đồng, “gói dịch vụ” hấp dẫn để họ quay trở lại sau khi học xong. Chúng tôi không sợ họ một đi không trở lại”, ông nói.

Theo vị quan chức quốc phòng, “hiện nay, mọi thứ đều là kỹ thuật số”, “thế giới đã trở thành ngôi làng toàn cầu” với sự xuất hiện và ngày càng phát triển của điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), Internet kết nối vạn vật (Internet of things), điện thoại thông minh. “Vì vậy, các nước cần tham gia xây dựng các tiêu chuẩn chung trong thế giới mạng, các tiêu chuẩn về hệ sinh thái an ninh mạng. Ngoài ra, cũng cần chia sẻ thông tin, phối hợp, cộng tác với nhau”, ông nói.

Bà Yael Fainaro, Phó giám đốc phụ trách phát triển doanh nghiệp của CyberArk, công ty bảo mật thông tin lớn thứ hai thế giới, cũng chung nhận định về sự bùng nổ của các thiết bị kết nối và nguy cơ mạng bị xâm nhập cả từ bên ngoài lẫn bên trong. “Ở Việt Nam các bạn, nhiều ngành kinh tế đang phát triển mạnh, dù chưa bằng Singapore. Đầu tiên, chúng tôi làm việc với ngành ngân hàng, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế…,” bà Yael nói.

Trong khi đó, ông Ofir Hason, người sáng lập, giám đốc điều hành Công ty CyberGym, nói rằng, ông ấn tượng với thị trường công nghệ thông tin phát triển nhanh của Việt Nam. “Tôi đã đến thăm Việt Nam mấy năm trước. Hy vọng sắp tới sẽ trở lại đất nước các bạn với nhiều điều mới”.