Các mạng xã hội ở Trung Quốc chống tin giả thế nào?


BizLIVE – Tin giả (fake news) đang trở thành vấn đề chung của Internet ngày nay nhưng cách xử lý của các doanh nghiệp công nghệ ở Trung Quốc lại hoàn toàn khác với những gì Facebook hay Google đang làm.

WeChat hiện nay đang làm một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Nền tảng này đang được giám sát bằng một công cụ có tên WeSeer. Giao diện của công cụ này được thể hiện bằng một thứ tương tự bản đồ nhiệt gồm những chấm tròn màu đỏ với kích thước khác nhau. Những chấm này thể hiện một nội dung đang được truyền đi từ đâu, thu hút được bao nhiêu sự chú ý của cộng đồng người dùng. 
Giáo sư Huamin của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, người phụ trách công cụ này, cho biết: “WeSeer còn được tích hợp trí tuệ nhân tạo để dự đoán bài báo nào sẽ được chia sẻ nhiều trong 1 giờ tới, xác định tài khoản nào là người chia sẻ có ảnh hưởng nhất, những nhóm người dùng nào thích câu chuyện này. Mọi thông tin có thể được thu thập ở bất kỳ lúc nào và từ bất kỳ đâu”.
Ông cũng cho biết đây là công cụ mơ ước của các nhà quảng cáo và để kiếm soát thông tin.
Phòng thí nghiệm nơi có WeSeer được ông Huamin thành lập từ năm 2015. Những số liệu mà công cụ này thu thập được có thể sử dụng để truy bắt tội phạm và nhiều công dụng khác, tuy nhiên khi trả lời trên Tech in Asia, ông cho biết: “Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào phương diện kỹ thuật”.
Với sự phát triển của mạng xã hội ngày nay, tin tức sẽ được lan truyền rất nhanh với một tốc độ khó kiểm soát. Tin giả cũng vậy. Nguy hại hơn, tin giả mang đến sự nghi ngờ trong cộng đồng. Gần đây nhất là cuộc bầu cử ở Mỹ đã bị tin giả trên Facebook gây ảnh hưởng. 
Thế nhưng cách xử lý fake news của Facebook, Google và các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon lại khác hẳn với cách các công ty công nghệ ở Trung Quốc thực hiện. Ở Mỹ trong khi các nền tảng nội dung đã tìm ra cách xử lý tin giả thì ở Trung Quốc mọi thứ giờ mới ở giai đoạn bắt đầu.
Không có một cuộc tranh luận nào về trách nhiệm của các doanh nghiệp Trung Quốc về nội dung mà người dùng thấy được trên Internet. Không có một tin tức nào không được kiểm duyệt lọt vào Trung Quốc vì Facebook, Google, New York Times bị chặn nhưng với những nội dung xuất phát từ trong nước, Chính phủ nước này muốn các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.
Công ty nào có nền tảng càng lớn, vai trò của họ càng nhiều. Do đó việc học phải làm là tự tìm cách cân bằng giữa trải nghiệm người dùng và các quy định. 
Đối với nhóm phát triển WeSeer, một trong những nhiệm vụ của họ lúc này là phát hiện những tin đồn và sự phát tán của tin đó. Nhiệm vụ này rất nặng nề vì lượng người dùng cơ sở của WeChat lúc này đang tăng lên gấp 3 lần so với dân số Mỹ.
Đối với Facebook, một thông tin được chia sẻ như một đường dẫn tới bài báo chỉ hiển thị khi người dùng like, theo dõi một fan page, nhóm hay cá nhân nào đó thường xuyên.  Còn với WeChat, những liên kết dạng này luôn hiển thị dù người dùng không tương tác thường xuyên với nguồn phát tin. Như vậy việc chia sẻ một thông tin luôn ở dạng công khai và có thể theo dõi được. 
Điều này có nghĩa một bài báo khi chia sẻ WeChat có thể xuất hiện trên 50 hay 60 trang đọc tin của tài khoản khác. WeSeer sẽ phân loại đường đi và cách xử lý của người dùng với các tin được chia sẻ này. 
Để xác định một tin tức có thuộc diện an toàn không, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích cả những tài khoản người dùng hay chia sẻ nội dung. Ví dụ một bài viết về trí tuệ nhân tạo được một nhà khoa học máy tính chia sẻ thì có thể bài viết đó an toàn. Tuy nhiên vẫn cần phải xem xét tiếp. 
Ông Huamin cũng cho rằng: “Vấn đề phân tích này đang là những thách thức thật sự. Nếu bạn cứ nghĩ mãi về tin đồn thì một lúc nào đó bạn sẽ tin nó là thật”.
Kiểm soát cả bằng người lẫn bằng máy

 Trách nhiệm về nội dung mà người dùng Internet đọc được thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc
Áp lực kiểm soát thông tin với các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu từ tháng 8 vừa qua. Chính phủ nước này đưa ra quy định mọi người bình luận trên các trang mạng ở nước này đều phải sử dụng tên thật. Một tháng sau, một quy định khác ra đời yêu cầu mọi người quản trị diễn đàn, trang mạng phải chịu trách nhiệm về nội dung thảo luận trong trang của họ.
Tháng 9/2017, cả 3 công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Tencent, Weibo và Baidu đều đã bị phạt ở mức cao nhất vì không ngăn chặn được sự lây lan của thông tin có hại.
WeChat là nền tảng đang sử dụng WeSeer tin rằng một ngày nào đó họ có thể chủ động chặn được mọi thông tin xấu trước khi nó được lan truyền trên Internet. 
Thế nhưng việc chặn bằng máy cũng không chắc có thể đảm bảo mọi thứ an toàn tuyệt đối kể cả với Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn cần con người để kiểm duyệt nội dung. 
Một ứng dụng mạng xã hội ở Trung Quốc là Momo từ năm 2011 đã thuê tới 400 nhân viên làm nhiệm vụ duyệt nội dung. Mức lương mà mỗi người kiểm duyệt này nhận được khi làm việc ở mức tương đương từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi tháng.
Việc kiểm duyệt nội dung một lúc nào đó sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ ở Trung Quốc vì kiểm soát cũng cần chi phí. Những công ty nào dùng công nghệ kiểm soát như WeSeer sẽ giảm được chi phí và nhân lực. Từ đó một cuộc đua mới về công cụ lọc có thể được phát động giữa các công ty công nghệ ở nước này. 

Tùng Linh